Bệnh viện thú y, trực thuộc Học viện Nông nghiệp VN vừa chính thức khánh thành và đi vào hoạt động. Chia sẻ về sự kiện này, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết rất kỳ vọng về sự phát triển của bệnh viện này.
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp VN cho biết, Thú y hiện là ngành giảng dạy lớn mạnh nhất của nhà trường. Cho đến nay, khoa này đã đào tạo cho đất nước khoảng 15.000 bác sỹ thú y. Tỷ lệ sinh viên ngành thú y ra trường có việc làm đạt 95% với mức thu nhập cao, ổn định.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại lễ khánh thành Bệnh viện thú y. (Ảnh: KT).
Những năm qua, Bộ NN-PTNT và một số bộ, ngành đã ưu tiên đầu tư cho dự án Bệnh viện thú y của Học viện Nông nghiệp VN. Dự án có tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, được trang bị thiết bị máy móc hiện đại, bao gồm hệ thống cấp cứu, chẩn đoán siêu âm 4D, phẫu thuật nội soi, phòng mổ hiện đại… Bệnh viện quy tụ gần 100 bác sỹ thú y được đào tạo bài bản từ nhiều nước trên thế giới tham gia vận hành hiệu quả công trình. Với quy mô như vậy, công trình được đánh giá là lớn, hiện đại nhất Việt Nam, ngang tầm các nước trong khu vực.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, ngoài khám chữa bệnh thú y, bệnh viện được kỳ vọng sẽ là nơi đào tạo, rèn dũa nghề cho các sinh viên. Đồng thời trở thành nơi nghiên cứu khoa học phục vụ cho ngành nông nghiệp và toàn xã hội.
Chia sẻ về sự kiện này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, không phải bỗng dưng mà ngành thú y đào tạo sinh viên tới 5 năm rưỡi mới tốt nghiệp. Bởi khoa này đòi hỏi trình độ chuyên môn rất sâu. “Với tư cách là cựu sinh viên của trường, khi quay lại chúng tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Một đất nước khiêm tốn về tài nguyên đất đai mà chúng ta trăn trở và phát triển. Đến giờ phút này có thể ngẩng cao đầu, một quốc gia gần 100 triệu dân hoàn toàn tự đảm bảo an ninh lương thực”.
Cắt băng khánh thành Bệnh viện thú y. (Ảnh: KT)
Bộ trưởng Cường cho rằng, ngành chăn nuôi có phát triển đến mấy, nếu không quan tâm công tác thú y cũng coi như hết khi xảy ra dịch bệnh. Việc khánh thành được công trình bệnh viện thú y là một niềm vui lớn với ngành thú y và người chăn nuôi. Chúng ta không chỉ hiểu công trình này trị giá 100 tỷ mà ý nghĩa chính trị, giá trị tích lũy lớn lao về sau này. Điều đó thấy rằng nông nghiệp Việt Nam tiếp tục bước chân vào hội nhập thế giới.
Cũng theo Bộ trưởng, thế giới sẽ tiếp tục tăng dân số, dự báo đến 2050 sẽ có hơn 9 tỷ người. 57% dân số thế giới đang sinh sống ở đô thị và tiếp tục tăng. Biến đổi khí hậu đang từng ngày tác động tới con người, SXNN, đặc biệt là ngành chăn nuôi lợn. Dịch dã ngày càng diễn biến khó lường. Điển hình dịch tả lợn Châu Phi phát hiện từ năm 1921 tới nay nhưng cả thế giới vẫn chưa tìm ra vacxin.
Bộ trưởng cho rằng, đây là một thiết chế công trình phù hợp với ngành thú y. Chúng ta phải nghĩ lớn hơn ngoài các trung tâm giám định như hiện nay. Đây là một công trình biểu trưng cho một ngành thú y, một nền nông nghiệp hiện đại.
“Riêng Khoa thú y phải luôn có ý thức phát huy giá trị của công trình hơn nhiều lần lý thuyết đề ra. Bệnh viện phải tham gia sâu hơn nghiên cứu, phát hiện dịch bệnh, xây dựng quy trình an toàn sinh học, phục vụ ngành chăn nuôi. Cũng từ bệnh viện này cần đào tạo nhiều kỹ sư giỏi, có một khát vọng, tầm nhìn. Bệnh viện cũng cần tăng tường hợp tác, đặc biệt là hợp tác quốc tế. Chủ động hợp tác với các nguồn lực kinh tế”, Bộ trưởng đặt nhiều kỳ vọng vào Bệnh viện thú y.
Khám chữa bệnh cho vật nuôi tại Bệnh viện thú y. (Ảnh: KT)
Ngay từ khi chưa chính thức đi vào hoạt động, đội ngũ khoa học của Bệnh viện thú y đã tích cực bắt tay vào nghiên cứu về dịch tả lợn Châu Phi. Bằng việc, Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học thú y đã giải mã thành công trình tự gen của virus dịch tả lợn Châu Phi khi mới xảy ra tại Hưng Yên. Đây là kết quả quan trọng để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh tiếp theo cho ngành nông nghiệp.Về công tác nghiên cứu vacxin, một nhà khoa học của Bệnh viện thú y chia sẻ, virus tả lợn Châu Phi là một dịch bệnh khó. Thời gian qua, ngoài công tác chẩn đoán, phát hiện dịch bệnh, đơn vị cũng đang ầm thầm nghiên cứu vacxin.