• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

THỊ TRƯỜNG SỮA VIỆT NAM CẠNH TRANH NGÀY CÀNG LỚN

(Người Chăn Nuôi) – Việt Nam đang là thị trường màu mỡ của các hãng sữa trong và ngoài nước. Bên cạnh những tên tuổi lớn trong nước, nhiều thương hiệu sữa nước ngoài cũng xâm nhập tạo nên cuộc cạnh tranh khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng có nhiều chủng loại để người tiêu dùng lựa chọn.

Một ngành hấp dẫn

Hiện nay, ngoài sữa tươi, sản phẩm sữa trên thị trường Việt Nam khá phong phú về nhãn hiệu, chủng loại. Bao gồm các sản phẩm sữa nước, sữa bột, sữa đặc, bơ, phô mai, váng sữa… Theo nhận định của FiinGroup, thị trường sữa Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới nhờ sự gia tăng dân số và các sáng kiến cải thiện sức khỏe, trong khi người tiêu dùng ngày một nâng cao nhận thức về sức khỏe qua việc sử dụng các sản phẩm sữa.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đánh giá, từ một ngành kém phát triển, ngành sữa Việt Nam đã tăng trưởng bình quân trên 10% nhờ tốc độ phát triển đàn bò rất nhanh. Hiện, tổng đàn bò sữa của Việt Nam đạt 290.000 con, sản lượng 1 triệu tấn/năm.

Cũng theo Bộ trưởng Cường, ngoài sự cạnh tranh gay gắt, thị trường sữa Việt Nam cũng đang cho thấy sức hấp dẫn nhờ nhiều yếu tốt. Nếu đẩy nhanh hoàn thiện các chuỗi liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ mới, ngành sữa Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa và có thể trở thành một cường quốc về sữa trong tương lai.

Bằng chứng là mới đây nhất, trong tháng 4 vừa qua, đại gia ngành đồ uống Coca-Cola Việt Nam cũng gia nhập lĩnh vực này bằng việc ra mắt 3 dòng sản phẩm sữa nước Nutriboost đáp ứng từng nhu cầu người dùng. 

Cạnh tranh tăng liên tục

Việc nhiều thương hiệu sữa cùng xuất hiện đã tạo nên sự cạnh tranh đáng kể. Để bán được sản phẩm, các doanh nghiệp liên tục đưa ra những chiến lược mới. 

Đại diện TH True Milk chia sẻ, nhờ lợi thế về đàn bò với hơn 45.000 con và đang đầu tư vào 2 trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, Công ty tập trung chủ yếu vào các sản phẩm sữa tươi, sữa chua, sữa hạt, đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm hữu cơ cao cấp. Trong khi đó, Vinamilk tiếp tục phát triển sản phẩm đa dạng như sữa bột, sữa nước, sữa chua…, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu. Vinamilk có kế hoạch phát triển 8 trang trại bò mới giai đoạn 2017 – 2021.

Bên cạnh phát triển sản phẩm, trang trại nuôi bò, hai doanh nghiệp này cùng mở rộng mạng lưới phân phối thông qua việc phát triển chuỗi bán lẻ. Đến năm 2018, Vinamilk sở hữu 415 cửa hàng, còn TH True Milk là 213 cửa hàng trên toàn quốc.

Cùng với đó, để thu hút người tiêu dùng, các doanh nghiệp liên tiếp ra chiêu khuyến mại. Đơn cử là các dạng khuyến mại như mua một lốc tặng một hộp sữa cùng loại, mua hai lốc tặng đồ chơi trẻ em thường là bộ xếp hình hay ô tô… Khuyến mại đánh trúng tâm lý trẻ em nên sản phẩm bán khá tốt. 

Ngoài việc chạy khuyến mại, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh khâu truyền thông với các chương trình dày đặc, đặc biệt là trên truyền hình trong các “giờ vàng”. Bởi hiện nay, phần đông người tiêu dùng, nhất là trẻ em vẫn lựa chọn loại sữa “tốt nhất” thông qua quảng cáo. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân “đẩy” giá sữa trong nước tăng cao, thậm chí tăng ngay cả trong thời điểm giá sữa trên thế giới giảm. 

Theo ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, đến cuối năm 2018, Việt Nam có 300.000 con bò sữa với sản lượng gần 1 tỷ lít. Ngành sữa của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được gần 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên đây vẫn là ngành có nhiều tiềm năng phát triển. 

Hơn nữa, nhu cầu sử dụng sữa trên đầu người của Việt Nam vẫn thấp, chỉ đạt 26 lít/người/năm, thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực. Do đó, vẫn còn rất nhiều “đất” để các doanh nghiệp triển khai.

Phan Thảo
 
Nguồn:Tạp chí Người chăn nuôi

 

 

TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586