• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

TRIỂN VỌNG NGÀNH CHĂN NUÔI NĂM 2021

 Trải qua một năm 2020 nhiều biến động, thị trường các sản phẩm protein toàn cầu năm 2021 có nguy cơ đối mặt nhiều rủi ro tiềm ẩn nhưng cũng sẵn sàng đón nhận cơ hội mới.

Tăng trưởng sản lượng

Dù ngành chăn nuôi trong năm 2020 vẫn ghi nhận những tăng trưởng khá tích cực về sản lượng, theo báo cáo của RaboResearch và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nhưng dự báo sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ còn tiếp diễn suốt đầu năm 2021. Do sự gián đoạn trong ngành chế biến thịt bò, dự báo lượng giết mổ thịt bò trong năm 2021 của Mỹ sẽ đạt mức cao nhất từ năm 2010, tăng 4,6% so năm trước, đạt 26,6 triệu con. Trong khi đó, sản lượng thịt bò thế giới sẽ tăng 2% lên mức 61,5 triệu tấn do nền kinh tế toàn cầu phục hồi, tiêu thụ tăng và chuỗi cung ứng phục hồi sau đại dịch. Dù vậy, mức sản lượng dự báo trong 2021 vẫn thấp hơn mức trước đại dịch vào năm 2019. Không chỉ tăng trưởng về sản lượng, xuất khẩu thịt bò toàn cầu sẽ tăng 3% vào năm 2021. Các điều kiện kinh tế được cải thiện, thị trường dịch vụ ẩm thực phục hồi được kỳ vọng là đòn bẩy cho tiêu thụ thịt bò. USDA dự báo nhu cầu tiêu thụ thịt bò tại châu Á tiếp tục mạnh giúp lượng hàng xuất khẩu từ Mỹ và Brazil tăng cao suốt năm 2021. Trong đó, nhập khẩu thịt bò từ Trung Quốc trong năm 2021 sẽ tăng 4%. 

USDA cũng dự báo sản lượng thịt heo 2021 sẽ tăng cao nhờ sự phục hồi sau Dịch tả heo châu Phi (ASF) và Covid-19. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ thịt heo từ Trung Quốc sẽ giảm 6% còn sản lượng thịt heo của Mỹ chỉ tăng nhẹ bởi sản lượng thịt heo trong năm 2021 của Trung Quốc kỳ vọng tăng 9% nhờ nỗ lực tái đàn của các nhà sản xuất và tận dụng lợi thế giá heo cao. Sự phục hồi từ ASF cũng thúc đẩy gia tăng sản lượng thịt heo tại Việt Nam và Philippines mặc dù các đợt bùng phát còn xảy ra tại Philippines có thể cản trở nỗ lực phục hồi đàn heo tại quốc gia này. Tại châu Âu, sản lượng thịt heo và tốc độ tăng trưởng dự kiến ổn định. Vụ việc phát hiện ASF trong đàn heo rừng tại Đức không tác động trực tiếp đến sản xuất nhưng xuất khẩu lại bị hạn chế đã khiến dự trữ thịt heo tại quốc gia này tăng cao trong bối cảnh thị trường thịt heo châu Âu bão hòa. Tuy nhiên, đây lại là yếu tố giúp hạ nhiệt giá thịt heo trong năm 2021. Tại Brazil, sản lượng thịt heo dự kiến tăng 4% do tiêu thụ thịt heo nội địa tăng trở lại và nhu cầu xuất khẩu ổn định.

Xuất khẩu thịt heo toàn cầu không đổi ở mức 10,8 triệu tấn vào năm 2021. Nhu cầu tiêu thụ thịt heo kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19 nhờ các điều kiện kinh tế được cải thiện và sự phục hồi ở khối nhà hàng và dịch vụ ẩm thực. RaboResearch dự báo tốc độ tăng trưởng chăn nuôi heo tại Bắc Mỹ là 1,6% trong năm 2021 nhờ 2 yếu tố Mỹ và Canada.

 Chi phí thức ăn chăn nuôi cao hơn sẽ tăng áp lực lên lợi nhuận của ngành gia cầm trong năm 2021. Dù vậy, USDA dự báo sản lượng thịt gia cầm sẽ tăng 2% trong năm 2021 lên mức 102,9 triệu tấn. Trong năm 2020, sản xuất thịt gà công nghiệp của Mỹ tăng 1,8% nhưng lợi nhuận không tăng như kỳ vọng và giá thức ăn tăng cao sẽ hạn chế tăng trưởng sản lượng gia cầm trong nửa đầu năm 2021. Dù vậy, thịt gia cầm vẫn được ưa chuộng nhờ giá cả hợp lý và chất lượng dinh dưỡng cao.

Thách thức và cơ hội

Ngành chăn nuôi năm 2021 sẽ tiếp tục đối mặt những thách thức tương tự năm 2020. Theo báo cáo mới nhất của các chuyên gia phân tích thực phẩm và kinh doanh ngành hàng nông nghiệp 2021 thuộc RaboResearch, những vấn đề trọng tâm của ngành chăn nuôi năm 2021 sẽ tiếp tục xoay quanh ASF, giá thức ăn tăng cao, và xu hướng gia tăng sự can thiệp của chính phủ tại nhiều quốc gia vào các lĩnh vực thuộc ngành chăn nuôi. Những thách thức không ngừng tiếp diễn xung quanh sự phục hồi sau Covid-19 sẽ được nhiều quốc gia đặt lên hàng đầu. Cùng đó, những yếu tố trong ngành công nghiệp dịch vụ thực phẩm sẽ kiểm soát xu hướng của thị trường các sản phẩm chăn nuôi ít nhất nửa đầu năm 2021 cũng là các vấn đề được chú ý.

Các cuộc họp hay hội nghị thường niên cũng là nơi tiêu thụ nhiều sản phẩm thịt, đặc biệt lượng tiêu thụ thịt bò sẽ bị giảm mạnh sau khi bị các sự kiện trên bị hủy hoặc hoãn để phòng tránh Covid-19. Thông thường, đến cuối năm hoặc đầu năm mới là dịp tổ chức rất nhiều hội nghị và hội thảo quy mô lớn. Tuy nhiên, từ năm 2020, hầu hết các sự kiện đó đều được chuyển sang họp trực tuyến hoặc bị hoãn. Ngành hàng thịt cũng mất đi một đầu mối tiêu thụ lớn, bởi những bữa ăn phục vụ các hội nghị tầm cỡ này trị giá nhiều USD với các món chính từ thịt.

Những câu hỏi về mức độ phục hồi của ngành chăn nuôi toàn cầu thực sự rất khó khẳng định chính xác trong khi cả thế giới phải trải qua một năm 2020 đầy xáo trộn với các lệnh cấm đi lại, phong tỏa, giới nghiêm, thậm chí thất nghiệp ở khắp nơi. Theo các chuyên gia tại RaboResearch, phải mất khoảng 2 năm để nền kinh tế thực sự vững vàng trở lại. Trong các cuộc đại suy thoái trước đây, ngành công nghiệp dịch vụ ẩm thực cũng cần đến hơn 2,5 năm mới kinh doanh yên ổn trở lại. Dù vậy, ngành chăn nuôi năm 2021 vẫn ghi nhận sự phục hồi nhất định, và đây sẽ là động lực thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm thịt suốt năm 2021.

Tuấn Minh (Tổng hợp)
 
 

 

 

MUA HẠT GIỐNG CỎ LIÊN HỆ SĐT 0363145282. TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586