• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Thông tin mới

60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG TRƯỜNG BA VÌ – TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU BÒ VÀ ĐỒNG CỎ BA VÌ ĐÃ LẬP NÊN NHỮNG THÀNH TỰU VĨ ĐẠI

                                                                                             T.S Tăng Xuân Lưu

                                                                  Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì

I.BỐI CẢNH HÌNH THÀNH QUA CÁC GIAI ĐOẠN

Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì là đơn vị sự nghiệp khoa học công lập thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trung tâm được thành lập từ Nông trường Ba Vì theo Quyết định số 47-NN-TCCB/QĐ ngày 17 tháng 02 năm 1989 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT). Nhìn lại chặng đường hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành từ Nông trường Ba Vì, 30 năm đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế quản lý, Nông trường Ba Vì nay là Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì đã nối liền lịch sử của mình với sự nghiệp phát triển ngành chăn nuôi bò và Cỏ Việt Nam.

Từ khi thành lập Nông trường Quân đội Ba Vì (1958) tới Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì (1989-2019), đã trải qua 4 giai đoạn lịch sử và phát triển:

1.1. Giai đoạn 1958-1960: Nông trường Quân đội Ba Vì thuộc Tổng cục Hậu cần – Quân đội Nhân dân Việt Nam

Sau đại bại trên chiến trường Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954, Thực dân Pháp buộc phải ngồi vào bàn đàm phán tại hội nghị Giơ-ne-vơ. Sau hiệp định này Việt Nam bị chia cắt tạm thời thành hai miền Nam – Bắc, qua vĩ tuyến 17 – Sông Danh – Quảng Trị.

Trung đoàn 658 thuộc sư đoàn 338 bộ đội Miền Tây Nam bộ, sau khi tập kết ra miền Bắc đóng quân ở Hậu Lộc (Thanh Hóa). Đến tháng 5 năm 1958, Trung đoàn chia làm hai lực lượng, một bộ phận được điều ra Xuân Mai thành lập đơn vị mới chuẩn bị lực lượng để bổ sung cho chiến trường Miền Nam và một phận chuyển về đóng quân từ phía Đông Nam lên phía Bắc quanh chân núi Ba Vì, dọc theo đường 84 và đường 87 (đường 414 ngày nay) thành lập Nông trường quân đội 658. Từ đây, sự nghiệp chăn nuôi bò thịt, bò sữa và những giống cỏ mới bắt đầu được hình thành và phát triển, sản xuất ra “Dòng sữa quý”, dòng sữa Khởi Tạo thương hiệu sữa tươi Việt Nam ngày nay đó là “Sữa trắng Ba Vì”, đã đi vào thơ ca và ký ức của nhiều thế hệ người Việt nam.

Thời gian này, Nông trường hoạt động theo cơ chế: “kế hoạch hóa tập trung, bao cấp” góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và sự nghiệp “giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước”. Nhiệm vụ cụ thể: lấy chăn nuôi là chủ yếu, trong chăn nuôi lấy chăn nuôi đại gia súc (bò đàn) là chính, dần dần nâng tỷ lệ bò sữa lên cao; về trồng trọt, gieo trồng phục vụ chăn nuôi là chính, trồng các cây lương thực ngắn ngày và cây công nghiệp dài ngày khác

1.2. Giai đoạn 1961-1977: Nông trường Quốc doanh Ba Vì thuộc Bộ Nông trường (1960-1970) và Ban Quản lý Nông trường Quốc doanh (1970-1977)

1.2.1. Nông trường Quốc doanh Ba Vì

Nhiệm vụ phát triển kinh tế của Nông trường trong giai đoạn này tiếp tục tập trung vào việc khai khẩn đất hoang thành đất trồng trọt, sản xuất lương thực và phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm; chăn nuôi bò sản xuất sữa. Đồng thời, chọn lọc để lai giống và nhân rộng đàn bò sữa và nâng cao năng suất sữa, nhiệm vụ này được xuyên suốt đến các giai đoạn về sau này.

1.2.2. Trạm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì

Trạm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì vốn tiền thân từ Tổ Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ được thành lập từ tháng 8 năm 1964 trực thuộc Ban Khoa học và Kỹ thuật, sau là Vụ Quản lý Khoa học Kỹ thuật, Bộ Nông trường.

Trạm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì là đơn vị độc lập có chức năng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và thực nghiệm trên diện rộng. Trạm có con dấu và tài khoản riêng. Mối quan hệ của Trạm với Nông trường Ba Vì chỉ là sinh hoạt ghép các đoàn thể như Đảng, Đoàn, Công đoàn, Phụ nữ …

1.2.3. Nông trường Việt Phi và 27 tháng 7

Giữa năm 1955, Tổng cục chính trị của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chỉ thị cho đồng chí thiếu tá Lê Vân đưa 300 hàng binh về Ba Vì thành lập Trại hàng binh Âu Phi. Đến năm 1963, để củng cố tình đoàn kết giữa các cán bộ công nhân viên người Việt Nam và các hàng binh của trại, đồng thời để xây dựng cơ chế quản lý lao động sản xuất mới phù hợp, được sự đồng ý của cấp trên, trại hàng binh Âu Phi được đổi tên thành Nông trường Việt Phi. Đến năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra Miền Bắc bằng không quân ném bom, bắn phá, biệt kích thâm nhập, phá hoại. Lúc này ở Nông trường Việt Phi còn khoảng 100 hàng binh. Theo sự chỉ đạo của cấp trên, số hàng binh này được đưa lên Yên Bái. Nông trường chỉ còn lại cán bộ, công nhân người Việt Nam với nhiệm vụ mới là đón tiếp anh em thương bệnh binh từ chiến trường trở về chữa bệnh, nghỉ ngơi và an dưỡng. Nông trường được đổi tên thành Nông trường 27 tháng 7, vừa sản xuất ra của cải vật chất vừa thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Đến cuối năm 1971, do nhu cầu phát triển các cơ sở kinh tế quốc doanh phù hợp với tình hình kinh tế – chính trị và quốc phòng của đất nước trong giai đoạn đó, dưới sự chỉ đạo của cấp trên, Nông trường 27-7 được sát nhập vào Nông trường Quốc Doanh Ba Vì.

1.3. Giai đoạn 1978 đến 1989: Nông trường Quốc doanh Ba Vì trực thuộc Viện Chăn nuôi

Ngày 19/7/1977, theo Quyết định số 210/NN-TC-QĐ của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm (nay là bộ Nông nghiệp và PTNT), Nông trường Quốc doanh Ba Vì được chuyển giao cho Viện Chăn nuôi trực tiếp quản lý. Cuối năm 1977, ngày 12/10/1977, theo Quyết định số 292/NN-TC-QĐ của Bộ Nông nghiệp và CNTP, Trạm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì được sát nhập vào Nông trường Quốc doanh Ba Vì.

Trong suốt giai đoạn này, Nông trường Quốc doanh Ba Vì luôn luôn bám sát nhiệm vụ chính trị là cơ sở Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ, thực hiện kế hoạch nghiên cứu, lai tạo giống, giữ giống và sản xuất giống bò, nghiên cứu các giống cỏ và xây dựng đồng cỏ, thực nghiệm đồng cỏ trên quy mô rộng theo phương thức nông – lâm kết hợp có hiệu quả. Đồng thời các kết quả nghiên cứu về chế biến, bảo quản, dự trữ thức ăn cho đàn bò được áp dụng chính vì vậy mà năng suất trong chăn nuôi như: sinh trưởng, phát triển, sinh sản, khả năng cho sữa, thịt, hiệu quả kinh tế được nâng lên một bước lớn.

1.4. Giai đoạn 1989 đến 2019: Bước ngoặc lớn – 30 năm đổi chế độ quản lý từ Nông trường Ba Vì sang Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì

1.4.1. Sự hình thành

Quyết định thành lập số 47NN-TCCB/QĐ ngày 17 tháng 02 năm 1989 của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Tên giao dịch Quốc tế: Ba Vi Cattle and Forage Research Centre; Tên giao dịch Quốc tế viết tắt: BAVICFRC

Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ số 263 ngày 06/4/1994; Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy đăng ký hoạt động khoa học lần 2, số đăng ký A-988, ngày 01/8/2011; cấp lại lần 3, số đăng ký A-988,  ngày 30/11/2018.

1.4.2. Nhiệm vụ chính trị song hành với quản lý xã hội tại Trung tâm

Với chức năng, nhiệm vụ được giao:

– Nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực về chăn nuôi bò, cây thức ăn, thức ăn, thú y và các lĩnh vực khác có liên quan.

– Tham gia đấu thầu các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài, dự án Nhà nước đặt hàng hoặc chỉ định thầu và sản xuất thử nghiệm.

– Sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và kinh doanh dịch vụ về con giống, cây giống, các sản phẩm về chăn nuôi bò, thức ăn chăn nuôi, chế biến các sản phẩm chăn nuôi.

– Tham gia xuất, nhập khẩu con giống, vật tư có liên quan đến chăn nuôi bò và cỏ, đồng cỏ

Tập trung phấn đấu nâng cao năng lực, chủ động sáng tạo trong khoa học công nghệ; từng bước tự chủ và tiến tới tự chủ hoàn toàn, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học công nghệ công lập.

 Tinh giảm bộ máy tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất

Tiếp tục phát huy truyền thống, kế thừa thành quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cùng với tiếp cận khoa học một cách chủ động để hội nhập; gắn nghiên cứu khoa học với phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ lâu dài.

Sắp xếp các tổ chức và bộ phận trực thuộc theo hướng tinh gọn: từ ban giám đốc đến các phòng ban trạm trại.

Với các nhiệm vụ hoạt động kho học làm nền tảng, trong 10 năm gần đây, Trung tâm đã thực hiện được 27 đề tài, dự án; trong đó cấp có 4 đề tài cấp nhà nước, 9 đề tài cấp bộ, 13 đề tài phối hợp với địa phương, 4 dự án sản xuất thử cấp nhà nước, 1 dự án sản xuất thử cấp bộ và có 44 bài báo cáo khoa học được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành có uy tin trong và ngoài nước.

1.4.3. Chuyển giao công nghệ

Trong 10 năm gần đây đã chuyển giao được hàng trăm bò giống, bò lai thương phẩm, hàng trăm tấn cỏ giống (các dòng voi lai, Ghi nê, Mulato, Ruzi, …) ra sản xuất, chuyển giao hàng chục quy trình, kỹ thuật có liên quan đến chăn nuôi, trồng cỏ, chế biến sản phẩm ra sản xuất

1.4.4. Hợp tác Quốc tế

Hợp tác trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Chăn nuôi- Thú y – Công nghệ sinh sản với Cơ quan Hợp Tác Quốc tế Nhật Bản (Jica); Lĩnh vực sinh sản, hỗ trợ sinh học với Hàn Quốc, Phát triển giống mới với Vương Quốc Bỉ, Úc …; Hợp tác trong đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi – thú y- sinh sản ở bò sữa với Hà Lan (Campina); ngoài ra các trao đổi thông tin được cập nhật và khai thác giữa hai bên thông qua các buổi hội thảo, triển lãm, làm việc với các chuyên gia tại Trung tâm và Việt Nam.

1.4.5. Sản xuất, kinh doanh

– Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến chăn nuôi bò: giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vật tư thiết bị chăn nuôi bò, sữa, sản phẩm chăn nuôi và các lĩnh vực theo khả năng của Trung tâm;

– Liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong các lĩnh vực có liên quan.

II.NHỮNG THÀNH TỰU KHOA HỌC CÔNG NGHỆ ĐẠT ĐƯỢC QUA CÁC THỜI KỲ

Từ Nông trường Quốc doanh Ba Vì (1958-1989) một thời gắn liền với tên tuổi Anh Hùng Lao Động Hồ Giáo, mộc mạc, ban sơ đến Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì ngày nay là cả một chặng đường lịch sử đầy gian khó và thử thách. Kế thừa thành quả hoạt động sản xuất kinh doanh chuyên ngành chăn nuôi bò sữa, bò thịt và cây thức ăn chăn nuôi; nâng cao, phát huy các thế mạnh và đạt được nhiều kết quả trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, con đường và sự nghiệp nghiên cứu chuyên sâu của Trung tâm ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình góp phần vào sự phát triển của ngành chăn nuôi nói riêng, kinh tế – xã hội của đất nước nói chung.

Giai đoạn 30 năm nghiên cứu chuyên sâu (1989-2019), hàng đầu về đại gia súc đó là bò sữa, bò thịt. Gắn liền với lịch sử phát triển của Trung tâm con đường nghiên cứu khoa học trải qua bao thăng trầm biến động, từ thuở ban đầu, với những nghiên cứu khai sơ lại tạo giống bò Sữa bằng phương pháp tạp giao giữa bò lai Sind và bò Lang Trắng đen Trung Quốc, Nông trường Quốc doanh Ba Vì tạo ra thế hệ bò Lai hướng Sữa đầu tiên có 50% nguồn gen HF ở Việt Nam. Các nhà khoa học Trung tâm vừa lai tạo vừa chọn lọc để lựa chọn những thế hệ bò lai phù hợp với điều kiện Việt nam; Đưa ra các quy trình chăm sóc nuôi dưỡng phù hợp đặt nền móng cho chuyên ngành nghiên cứu về bò sữa, bò thịt sau này. Ngoài việc lai tạo, nhân thuần gia súc là bò sữa, bò thịt đạt hiệu quả cao, Trung tâm cũng đã tập trung nghiên cứu thích nghi, nhân thuần, lai tạo và sản xuất được nhiều giống cỏ có năng suất cao, chất lượng tốt để phục vụ cho chăn nuôi gia súc lớn.

Từ năm 1991 đến 1995, Trung tâm thực hiện đề tài cấp Nhà nước mã số KN-02-04; xây dựng được quy trình nuôi bò Lai hướng Sữa trên cơ sở hoàn thiện công thức lai hiện có và nghiên cứu công thức lai mới, đồng thời xây dựng các mô hình chăn nuôi bò sữa.

Cùng với giai đoạn 1996-2000, có nhiều nghiên cứu trong lai tạo, dinh dưỡng thức ăn và nhiều đóng góp khác: Trung tâm được Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2000”.  

Giai đoạn 2001-2009 Trung tâm đã thực hiện 49 đề tài, 5 dự án, xây dựng và hoàn chỉnh các công tác chuyên ngành. Thành công của các nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Kim Ninh, Cố TS Lê Trọng Lạp, cố Th.S Nguyễn Hữu Lương, TS. Tăng Xuân Lưu,TS. Ngô Đình Tân… Tập trung trong các lĩnh vực: di truyền, dinh dưỡng, sinh sản, thú y, công nghệ hỗ trợ …  

Giai đoạn 2009-2019 là một trong những mốc thời gian khởi sắc nhất về các nghiên cứu có liên quan đến công nghệ cao ứng dụng trong chăn nuôi, được xem là 10 năm thành công trong nghiên cứu khoa học của Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì. Giai đoạn này là kế thừa và phát huy được những kết quả của các bậc tiền bối, bắt kịp cùng xu thế phát triển của thế giới. Đã từng phần thích ứng thời kỳ Công nghệ lần thứ 4 trong chăn nuôi: Trung tâm đã nỗ lực nâng cao năng lực nghiên cứu, năng lực chuyển động trong tìm kiếm đề tài, dự án, phối hợp với các viện, trường, doanh nghiệp và các địa phương thực hiện các đề tài, dự án. Kết quả trong 10 năm  đã thực hiện 27 đề tài dự án; trong đó có 4 đề tài cấp nhà nước, 9 đề tài cấp bộ, 13 đề tài phối hợp với địa phương, 4 dự án sản xuất thử cấp nhà nước, 01 dự án sản xuất thử cấp bộ. Tổng hợp được 44 báo cáo khoa học. Một số đề tài tiêu biểu được triển khai và đạt nhiều kết quả mang tính ứng dụng cao như nghiên cứu bệnh sinh sản và bệnh viêm vú ở bò sữa, nghiên cứu hiệu quả sử dụng công nghệ nano trong khoáng đa vi lượng phục vụ chăn nuôi bò. Nghiên cứu quy trình sản xuất vòng tẩm Progesterone để nâng cao khả năng sinh sản của bò sữa,  dự án “Ứng dụng công nghệ tinh phân ly giới tính và công nghệ phôi trong sản xuất bò sữa cao sản ở Việt Nam”. Tự hào là thế hệ nghiên cứu trẻ của Trung tâm đã tiếp cận và làm chủ được Công nghệ phôi In-vivo và Invitro. Năm 2018, Trung tâm đón nhận đàn bò Senepol giống gốc lần đầu tiên được nuôi tại Việt Nam; Đây là giống bò có triển vọng nhân thuần và nguyên liệu tạo con lai của giống bò thịt Việt Nam.

 Với vai trò sứ mệnh nghiên cứu góp phần xây dựng một ngành chăn nuôi bền vững, có hiệu quả, thân thiện với môi trường, theo định hướng chiến lược của Chính phủ. Trước thềm hội nhập ngày càng sâu rộng, xu thế phát triển ngày càng mạnh trong nước và trên thế giới, ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và ngành chăn nuôi gia súc nhai lại nói riêng sẽ đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức, Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì đã, đang và sẽ trở thành một trong những đơn vị uy tín về năng lực và có chiều sâu trong lĩnh vực này, góp phần thiết thực cho sự phát triển của ngành chăn nuôi đại gia súc nói riêng và chăn nuôi nói chung.

III. NHỮNG ĐÓNG GÓP NỔI BẬT CHO SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN VIỆT NAM TRONG SÁU THẬP KỶ QUA

3.1. Nguồn cung ứng giống vật nuôi, giống cỏ, dòng sữa tươi và sản phẩm từ sữa

Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì đã cung cấp cho xã hội hàng trăm ngàn bò giống: thịt, sữa các loại với chất lượng tốt.

Hàng trăm ngàn tấn giống cỏ góp phần phát triển nghành gia súc ăn cỏ và phủ xanh đất trống đồi núi trọc trong khắp chiều dài chữ S Việt Nam.

Sản xuất ra hàng trăm triệu tấn sữa tươi ngon bổ dưỡng để cung cấp cho các nhà chế biến các sản phẩm sữa góp phần nâng cao tâm vóc Việt từ những thập kỷ 60 đến ngày nay.

3.2. Đào tạo dựng xây sự nghiệp gieo nghề

Trong 60 năm xây dựng và 30 năm đổi Chế độ hoạt động Trung tâm đã đào tạo, tham gia đào tạo, tập huấn cho hàng trăm kỹ thuật viên trong khắp ba miền Bắc Trung, Nam về kỹ thuật cho đến ngày nay đi đến đâu cũng có dấu ấn kỹ thuật” Trung tâm Bò Ba Vì ở đó.

– Trung tâm đã biết kết hợp với các viện, các trường đào tạo để rồi hàng trăm lượt học sinh, sinh viên Nông nghiệp về thực tập, rèn nghề, tại Trung tâm và chính những sinh viên này thông qua hoạt động thực tế này lại được các thế hệ cán bộ viên chức Trung tâm đã biết truyền lửa tạo nguồn cảm hứng mà rất nhiều sinh viên từ chỗ không mặn mà với cái nghề chăn nuôi đại gia súc mà đã trở nên yêu nghề hơn tìm thấy giá trị đích thực hơn; chính từ đây đã đóng góp cho nhiều tỉnh thành có được những con người thành danh, thành đạt trong công tác của mình. góp phần cho sự phát triển nghành chăn nuôi gia súc ăn cỏ Việt nam: Đánh dấu sau hòa bình lập lại trong những năm đầu đất nước chỉ có vài chục ngàn con bò vàng nhỏ bé phục vụ cho việc cày kéo, lấy phân đối với người nông dân thì này đã có trên 5,6 triệu con với tỉ lệ máu lai trên 65% và đã trở thành một lĩnh vực phát triển chủ lực trong cung cấp thịt bò trong nước; không những làm thay đổi trong chăn nuôi bò thịt mà là còn thay đổi cả một hệ thống chăn nuôi loài gia súc ăn cỏ bởi sự luôn nhân mới các giống cỏ rồi phát tán ra cả nước từ Trung tâm này.

3.3. Đóng góp quan trọng trong việc xây dựng ngành bò sữa và sữa Việt Nam

Khởi nguồn sữa Trắng Ba Vì đã làm thay đổi về trí tuệ, nhận thức và dáng vóc cả nhiều thế hệ người Việt nam. Chính từ nơi đây “khó khăn” gian nan vất vả cửa nhiều lớp thế hệ cán bộ, công nhân, người lao động Nông trường Ba Vì “một nắng ba sương” tạo nên dòng sữa trắng từ buổi sơ khai cho đến sự trưởng thành một ý thức hệ mà đã tạo cảm hứng để hình thành nên Tập đoàn sữa mang dấu ấn Việt Nam: Thảo nguyên xanh (Mộc châu Milk), Vinamilk, TH True milk khẳng định đẳng cấp Việt nam ngày nay; sự ghi nhận đó của xã hội là trường tồn hơn cả một tấm huân huy chương, nó đã đi vào lòng người bằng những vần thơ ca bất hủ được nhiều thế hệ người Việt nhớ đến: “Hà Tây quê lụa” với những ca từ nhẹ nhàng, da diết: “Bóng chiếc thoi đưa, ánh mắt long lanh. Trời đất Hà Tây, tay em dệt lụa. Sữa trắng Ba Vì … Hồn thơ Nguyễn Trãi” và nói đến Ba Vì người người lại nghĩ đến Anh hùng Lao động Hồ Giáo: một biểu tượng, một bài học không bao giờ lỗi thời trong sự thanh công không thể không thiếu lòng say mê, tâm huyết “nghề nghiệp”. Chính anh đã tạo nên một làn sóng, một phong trào thi đua “lao động sản xuất” trong những ngày đầu xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc để tiếp sức cho “cách mạng” giải phóng miền nam thống nhất đất nước ngay từ những năm 70 của  thế kỷ trước.

Ngày nay với những “công nghệ” mới được áp dụng trong sản xuất phục vụ cho cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới cũng đã làm thay đổi diện mạo của nghành chăn nuôi bò sữa nước nhà như công nghệ sinh sản, công nghệ phôi cũng đã đạt đến tầm cao của thế giới như ở TH True milk đến những công nghệ thô sơ nhưng “vĩ đại” tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa địa đầu tổ quốc đều có dang dấp của Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì. Thật tự hào cho những con người nhỏ bé những đã có những đóng góp bé nhỏ ý nghĩa của mình để cùng đất nước chuyển mình và tự hào hai tiếng “Việt nam” !

Trong 60 năm qua, sự đóng góp của nhiều thế hệ Giáo viên Ba Nhà Trường mang tên Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì, cùng với dòng sữa trắng đã sản sinh cho đất nước nhiều Vĩ nhân, Tiến sỹ, kỹ sư, bác sỹ, Tướng lĩnh, công nhân lành nghề và làm rạng danh bởi và họ luôn mang trong lý lịch của mình: Nơi sinh, nơi học, Trường Nông Trường – Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì

GHI NHẬN NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA TRUNG TÂM QUA CÁC THỜI KỲ ĐÃ ĐƯỢC ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI VINH DANH

4.1. Trung tâm nhận được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước

 Sự động viên kịp thời cán bộ công nhân viên và người lao động và nghi nhớ công lao đóng góp của các thế hệ xây dựng nên Nông trường Ba Vì nay là Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì, đã được Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và địa phương quan tâm thăm hỏi động viên:

– Cố Lãnh tụ – Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm năm 1959;

– Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm năm 1965;

– Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm năm 1957;

– Cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm năm 1959;

– Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm năm 1996;

– Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trương Mỹ Hoa thăm năm 1997;

– Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thăm năm 1998;

– Thủ tướng Phan Văn Khải thăm năm 2001;

–  Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thăm năm 2002;

– Cố Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây Nguyễn Đình Sở thăm năm 2000 …

4.2. Trung tâm đã nhận được những phần thưởng quý giá

Với những quyết tâm xây dựng Nông trường trước đây và bây giờ là Trung tâm của bao thế hệ của toàn bộ cán bộ viên chức đã đỏ mồ hôi, có lúc còn không tiếc cả máu xương nên cơ sở đã được Đảng, Chính phủ và địa phương đã ghi nhận những đóng góp to lớn của Trung tâm đối với sự nghiệp nông nghiệp nước nhà, bằng những phần thưởng cao quý:

– Huân chương Lao động hạng Ba năm 1962

– Huân chương Lao động hạng Ba năm 1996

– Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1999

– Nhiều Bằng khen của thủ tướng Chính phủ

– Băng khen của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Cùng hàng chục các bằng khen, giấy khen và các danh hiệu thi đua khác của các đoàn thể, tổ chức xã hội khác cho các tập thể và cá nhân qua các thời kỳ phát triển của Trung tâm.

Những danh hiệu cao quý đó qua các thời kỳ mà đã nhắc nhở, thế hệ ngày nay cần nối tiếp, tiếp tục phấn đấu, vươn lên mạnh mẽ hơn nữa để không phụ lòng đóng góp xây dựng nà các thế hệ đi trước đã gây dựng nên.

Các thế hệ đi trước hôm nay có mặt tại đây tin tưởng vào thế hệ trẻ kế cận ngày nay vì họ cũng đã khẳng định được mình thông qua những thành tích đạt được trong năm 2019 này làm minh chứng đó.

LỜI KẾT

Với tất cả những tấm lòng khiêm tốn, giản dị nhưng mỗi chúng ta là người đã và đang đóng góp những khối óc và sức lực cho Trung tâm cũng rất đáng tự hào từ Nông trường Ba Vì với những buổi đầu sơ khai với muôn vàn khó khăn nhưng đã có bao trái tim thắp lên những ngọn lửa sáng chói như Anh hùng Lao động Anh Hồ Giáo, Giáo sư Nguyễn Văn Thưởng, … đã khởi nguồn tạo nên dòng sữa trắng Ba Vì cho đến trong 30 năm đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế quản lý, Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì đã nối tiếp lịch sử của mình viết lên những trang sử vàng trong sự nghiệp phát triển ngành chăn nuôi Bò và Cỏ Việt Nam. Trang sử vàng ấy đang được toàn bộ cán bộ, viên chức cũng như mọi người đang sống và làm việc trên vùng đất Ba Vì viết tiếp những dòng thành quả ngày một to lớn hơn.

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2019

 

 

MUA HẠT GIỐNG CỎ LIÊN HỆ SĐT 0363145282. TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586