(Người Chăn Nuôi) – Chưa bao giờ ngành chăn nuôi Việt Nam phải đối diện với những khó khăn như trong năm 2019, nhưng với sự điều hành sát sao của Chính phủ và các ngành hữu quan, sự nỗ lực của các địa phương, đặc biệt là sự vượt khó của các hộ nông dân, doanh nghiệp, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đứng vững và phát triển.
Cuộc chiến dịch bệnh
ASF bùng phát tại Trung Quốc và dần lan tới Việt Nam, gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng. Từ đầu tháng 2/2019 đến cuối tháng 10/2019, bệnh đã xảy ra tại 8.296 xã thuộc 660 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số heo tiêu hủy là 5.690.624 con; với tổng trọng lượng là 327.128 tấn (chiếm khoảng 8,3% tổng trọng lượng heo của cả nước). Theo thống kê, có 573 xã thuộc 240 huyện của 47 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh heo bệnh. Cuộc chiến với ASF chắc chắn vẫn còn kéo dài sang năm 2020.
Các tỉnh, thành đã triển khai rất nhiều biện pháp để kiểm dịch, tiêu hủy heo nhiễm bệnh, tiêu độc khử trùng, bảo vệ các vùng nuôi. Các thực phẩm thay thế như gia cầm, hải sản cũng được bổ sung cho thị trường nội địa, đảm bảo bình ổn giá thực phẩm trên toàn quốc trong gần hết năm 2019. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nguồn cung thịt heo vẫn được đảm bảo do các vùng nuôi đã thực hiện giải pháp cung cấp thịt sạch kịp thời.
Chỉ tới thời điểm cận kề Tết, giá thịt heo mới tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ cuối năm và các trang trại cũng “nghỉ xả hơi” khiến doanh nghiệp găm hàng chưa bán. Bộ NN&PTNT dự báo lượng thịt heo dịp Tết thiếu hụt khá lớn, nhưng sẽ được bù đắp bằng nhập khẩu và các thực phẩm khác như gia cầm, thủy sản.
Cuộc chiến thương mại
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bao phủ một không khí căng thẳng trên thị trường nông sản. Trung Quốc quyết định hủy mua lô thịt heo Mỹ lớn nhất từ trước đến nay (14.700 tấn), vốn là nguồn thịt dự kiến nhập trong năm 2019 và năm 2020. Nhu cầu thịt heo của Trung Quốc tăng mạnh, nhất là dịp cuối năm.
Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa ký kết được việc xuất khẩu thịt heo chính ngạch, khiến Việt Nam phải bảo vệ kiểm dịch ở biên giới. Giá thịt heo tại Trung Quốc lên tới hơn 100.000 đồng/kg, gấp đôi giá tại Việt Nam đã gióng lên nguy cơ xuất khẩu tiểu ngạch ồ ạt trong khi sản lượng thịt heo trong nước giảm hơn 8% do dịch bệnh.
Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 98.000 tấn thịt gà. Việc nhập khẩu tăng mạnh cũng dấy lên sự lo ngại chiến tranh thương mại khiến một số sản phẩm chăn nuôi của Mỹ không nhập khẩu được vào Trung Quốc sẽ tìm đường sang các nước lân cận, đặc biệt là sản phẩm gà. Giá gà Mỹ nhập khẩu khoảng 20.000 đồng/kg là một trong những nguyên nhân khiến giá gà trong nước giảm 30% so với năm 2019.
Giải pháp cân bằng
Việc giá gà trong nước giảm đã dẫn đến việc các hiệp hội, doanh nghiệp và người nông dân hết sức lo ngại và mong muốn Chính phủ và các ban ngành có giải pháp kịp thời trong năm 2020.
Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho biết đang kiến nghị Chính phủ xem xét việc nhập khẩu gia cầm. Trong khi đó, đại diện Tập đoàn C.P, cho rằng: “Tại Thái Lan, Chính phủ luôn bảo hộ sản xuất gà trong nước. Tại Việt Nam, việc nhập khẩu khối lượng quá lớn thịt gà trong thời gian ngắn khiến các doanh nghiệp và người nuôi lao đao, chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam cũng sẽ có những biện pháp bảo vệ người nuôi gà Việt Nam”.
Các chuyên gia cho rằng việc sử dụng rào cản thương mại để bảo hộ sản xuất trong nước như một số quốc gia đang áp dụng chỉ có tác dụng nhất thời và khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thì vấn đề giá thành, chất lượng sản phẩm và sự liên kết trong khối sẽ mang tính bền vững hơn.
Nghiên cứu cho thấy ở “khu vực chăn nuôi trang trại, công nghiệp thì năng suất và chi phí chăn nuôi của Việt Nam ngang bằng các nước phát triển trong khu vực”, tuy nhiên chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến.
Trao đổi với phóng viên, một số chuyên gia nước ngoài đều cho rằng Việt Nam “cần mạnh mẽ thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chăn nuôi để hướng đến mục tiêu xuất khẩu khi mà nguồn cung đã dồi dào đáp ứng đủ tiêu dùng nội địa. Việt Nam chiếm ưu thế là có ngành chăn nuôi rất phát triển, người nông dân ham học hỏi và có một nền khoa học nông nghiệp phát triển”.
Nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư mạnh vào ngành chăn nuôi Việt Nam và thu thành công. Thêm nhiều tập đoàn quốc tế uy tín khác cũng đang xúc tiến đầu tư vào ngành chăn nuôi Việt Nam trong năm 2020 và những năm tiếp theo giúp ngành chăn nuôi Việt Nam dần hiện thực hóa khát vọng vươn xa trên thị trường quốc tế.
>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương cần xác định vùng chăn nuôi trọng điểm để kêu gọi đầu tư và thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, giá trị sản phẩm so với chăn nuôi truyền thống… Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước hợp tác với tập đoàn chăn nuôi lớn trên thế giới để thu hút nguồn lực đầu tư, năng lực quản trị, chuyển giao công nghệ… Các gia trại, trang trại lớn liên kết với các doanh nghiệp chế biến để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thực phẩm trong nước cũng như toàn cầu. |
Trần Đông Xuyên
Tạp chí Người chăn nuôi