Hỏi: Thời điểm chuyển mùa, bò sốt cao 41 0C, đột ngột tăng vận động, hung dữ, sau đó 1 ngày bỏ ăn, lờ đờ, nước mũi nước mắt chảy nhiều. Vùng hầu sưng to làm lưỡi thè ra ngoài. Hạch bên cổ sưng to, thở khó và nặng nề, đi lại khó khăn. Lúc đầu táo bón, sau lại ỉa lỏng phân có lẫn máu và niêm mạc ruột, bụng chướng to, chết sau 3 ngày. Xin cho biết cách phòng trị bệnh này ra sao?
Trả lời:
Theo mô tả, có thể bò bị bệnh tụ huyết trùng thể cấp tính. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ gia súc, sản phẩm của chúng hoặc qua dụng cụ chăn nuôi, chuyên chở, không khí, khi giao mùa làm sức đề kháng của con vật yếu nên dễ nhiễm bệnh.
Bò bị tụ huyết trùng. Ảnh minh họa
Điều trị bệnh
Cần phát hiện bệnh sớm thì điều trị mới có kết quả, cách ly con vật để điều trị. Chủ yếu hiện nay là dùng thuốc kháng sinh. Có thể dùng một số dòng kháng sinh sau đây: Streptomycin 4 – 6 g cho mỗi bò, tiêm bắp thịt mỗi ngày 1 lần. Tiêm liền trong 4 – 5 ngày. Từ ngày thứ 3 trở đi có thể giảm liều còn 2/3 so với liều ngày đầu; hoặc dùng dòng kháng sinh Penicillin + Streptomycin: 2 g/100 kg thể trọng/ngày; hoặc Kanamycin10 ml/100 kg thể trọng/ngày. Bên cạnh đó cần có các thuốc hỗ trợ con vật: Cafein, Vitamin B1, B complex, Vitamin C tiêm hàng ngày. Có thể tiếp các dung dịch điện giải như dung dịch NaCl 0,9% có glucose 5% 1000 ml hàng ngày.
Phòng bệnh
Thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh cho bò 2 lần/năm vào vụ đông – xuân và hè – thu. Giữ vệ sinh chuồng trại thoáng mát mùa hè, ấm về mùa đông, không bị mưa hay gió lùa. Chăm sóc nuôi dưỡng tốt, chăn thả hợp lý, không để bò làm việc quá sức. Khi vận chuyển gia súc đi xa, không được nhốt quá chật và phải che mưa nắng, cho ăn uống đầy đủ để tránh bệnh phát ra trong quá trình vận chuyển. Không lưu thông gia súc ốm, sản phẩm gia súc có bệnh vào địa phương. Nên nuôi cách ly để theo dõi bò trước khi mua về nhập đàn ít nhất 2 tuần.