• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

KIẾN THỨC CHĂN NUÔI

PHÒNG TRỊ BỆNH TỤ HUYẾT TRÙNG TRÊN BÒ

Hỏi: Bò nhà tôi sốt cao 41 – 42 độ C, bỏ ăn, niêm mạc mắt, mũi, miệng đỏ sẫm rồi tái tím. Hạch bên cổ sưng to, thở khó, làm lưỡi thè ra ngoài, đi lại khó khăn. Lúc đầu táo bón, sau lại ỉa lỏng, phân có lẫn máu và niêm mạc ruột, bụng chướng to, vài ngày con vật nằm liệt, đái ra máu nước tiểu có mùi khai đặc biệt, vật yếu dần rồi chết trong 5 ngày. Xin cho biết cách phòng trị bệnh này ra sao?

Trả lời

Với những biểu hiện bên ngoài như trên, có thể chẩn đoán bò bị bệnh tụ huyết trùng. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ gia súc, sản phẩm của chúng hoặc qua dụng cụ chăn nuôi, chuyên chở. Ở thể quá cấp tính thì con vật sốt cao 41 – 420C, đột ngột trở nên hung dữ, điên cuồng, chết trong vòng 24 giờ, ít có biểu hiện đặc trưng. Một số trâu bò vượt qua được giai đoạn cấp tính thường chuyển sang thể mãn tính, vật đi lại khó khăn, ăn uống giảm sút, gầy yếu, một số ít có sức chịu đựng thì những biểu hiện này nhẹ dần và khỏi, nhưng phải hàng tháng sau mới hồi phục.

Điều trị

Khi phát hiện bò bị bệnh cần dùng thuốc kháng sinh để điều trị và phát hiện sớm thì điều trị có khả năng khỏi cao. Có thể dùng một số kháng sinh sau đây: Streptomycin 4 – 6 g cho mỗi trâu bò, tiêm bắp thịt mỗi ngày 1 lần. Tiêm liền trong 4 – 5 ngày; hoặc Penicillin + Streptomycin: 2 g/100 kg thể trọng/ngày; hoặc Kanamycin 10 ml/100 kg thể trọng/ngày. Bên cạnh đó cần có các thuốc hỗ trợ con vật: Cafein, Vitamin B1, B complex, Vitamin C tiêm hàng ngày. Có thể truyền thêm các dung dịch điện giải như dung dịch NaCl 0,9% có glucose 5% 1.000 ml mỗi ngày.

Phòng bệnh

Tiêm vaccine phòng bệnh cho bò 2 lần/năm vào vụ đông xuân và hè thu. Giữ vệ sinh chuồng trại. Chăm sóc nuôi dưỡng tốt, cho ăn uống đầy đủ, chăn thả hợp lý, không để con vật làm việc quá sức. Gia súc chết nghi bệnh phải khai báo với thú y, chôn sâu đổ vôi bột vào hố chôn.

Hỏi: Thời tiết thay đổi vừa qua, đàn dê có hiện tượng sốt cao, kéo dài 3 – 4 ngày, ăn kém hoặc bỏ ăn, thở khó tăng dần, ho khan có khi ho có dịch, có vài con bị chết. Xin hỏi đó là bệnh gì và cách chữa như thế nào?

Trả lời

Qua mô tả với triệu chứng ho, sốt như vậy đàn dê có thể mắc viêm phổi. Bệnh này thường xuyên xảy ra trong đàn dê khi thời tiết thay đổi. Bệnh thường xuyên xảy ra ở dê non, làm chết với tỷ lệ cao. Dê bị bệnh thải vi khuẩn ra môi trường qua dịch chảy ra từ mũi, miệng, dê khỏe hít thở không khí có mầm bệnh cũng sẽ bị bệnh.

Phòng bệnh

Giữ chuồng trại khô sạch, kín ẩm mùa đông và thoáng mát mùa hè, định kỳ sát trùng về sinh chuồng trại sạch sẽ. Quản lý đàn dê, không chăn thả tự do, phát hiện sớm dê ốm để cách ly và điều trị kịp thời. Tiêm phòng đầy đủ một số vaccine phòng bệnh truyền nhiễm cho dê để phòng bệnh chủ động.

Điều trị

Dùng thuốc kháng sinh như: Tylosin tiêm cho dê theo hướng dẫn của nhà sản xuất, kết hợp với uống thuốc Bromhexinne làm giảm ho, long đờm, giúp thông thoáng đường hô hấp. Dùng thêm các loại thuốc trợ sức: Vitamin nhóm B, Vitamin C và cafein. Tiêm liên tục 4 – 5 ngày cho đến khi khỏi bệnh. Cho dê nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ.

ThS. Nguyễn Ngọc Đức

 
 

 

 

MUA HẠT GIỐNG CỎ LIÊN HỆ SĐT 0363145282. TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586