• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

2019: CƠ HỘI TRONG THÁCH THỨC

(Người Chăn Nuôi) – Năm 2018 ngành chăn nuôi “được mùa, được giá”, phát triển ổn định với sản lượng thịt heo hơi đạt hơn 3,8 triệu tấn, tăng 2,2%; Thịt gia cầm tăng 11%; Sữa tươi đạt 960.000 tấn, tăng 9%… Song để phát triển và hòa nhập với khu vực và thế giới, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ cần phải có thêm nhiều bước phát triển mang tính tiên phong ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Táo bạo và thành công

    2018 được xem là một năm mà Chính phủ và Bộ NN&PTNT mạnh mẽ áp dụng nhiều biện pháp mở cánh cửa xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra nước ngoài. Để làm điều này, ngành đã xây dựng vùng chăn nuôi tập trung hiện đại tại Đồng Nai với 94% tổng đàn được nuôi trang trại. Việc xây dựng vùng chăn nuôi bền vững ở miền Đông Nam bộ đã tạo niềm tin tưởng cho khách hàng, thúc đẩy xuất khẩu gà sang thị trường Nhật Bản.

	Đồ họa: Minh Vũ
    Đồ họa: Minh Vũ
 

    Nhiều cơ sở giết mổ hiện đại đã được đưa vào vận hành, như nhà máy của Masan công suất 140.000 tấn thịt heo/năm. Nhà máy giết mổ chế biến thịt heo tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định do Công ty Biển Đông và Tập đoàn De Heus liên kết đã khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 11/2018 với công suất 350.000 heo thịt/năm… cho thấy nỗ lực ngành chăn nuôi tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ chế biến, cung cấp thực phẩm sạch và chất lượng ra thị trường.

    Bình ổn thị trường thịt heo cũng là một thành công trong công tác điều hành của Chính phủ và các địa phương. Trong đó, việc kiềm chế, giảm tăng đàn đã tạo ra cán cân cung – cầu hợp lý, không quá phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc, với sản lượng thịt heo hơi đạt hơn 3,8 triệu tấn, tăng 2,2% so năm ngoái; Mức giá đạt trên mức 44.000 đồng/kg, giúp người chăn nuôi có lãi. Việc kiểm soát đàn heo cho thấy sự huy động cả bộ máy chính trị, đưa việc chăn nuôi vào quy hoạch, giúp chăn nuôi heo lấy lại được thế trận vững chắc, người dân khôi phục lại đàn heo và đang chuyển dần sang chăn nuôi trang trại để cung ứng cho các nhà máy trong nước, thay vì chỉ vỗ béo bán lên biên giới.

Tạo uy tín trên thương trường

    Năm 2017 ghi dấu mốc Việt Nam xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản. Tuy vậy, việc xuất khẩu có bền vững và phát triển hay không vẫn còn là dấu hỏi, vì Nhật Bản là thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Song năm 2018 đã cho thấy sản phẩm Việt Nam dần chinh phục khách hàng Nhật. Tính đến giữa năm 2018 đã có 600 tấn thịt gà Việt Nam xuất khẩu và tiêu thụ tại Nhật. Công ty TNHH Koyu & Unitek – đơn vị xuất khẩu thịt gà sang Nhật, thậm chí đã nỗ lực tăng thêm dây chuyền sản xuất để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu từ phía Nhật.

    Từ ngày 27/5 – 2/6/2018 Đoàn Thanh tra Thú y Nhật Bản đã sang Việt Nam để kiểm tra thực tế dây chuyền sản xuất của các công ty Việt Nam đăng ký xuất khẩu sản phẩm sang nước này. Sau khi hoàn thành quá trình kiểm tra, Cục Thú y Nhật Bản đã gửi thư thông báo về việc đồng ý mở rộng nhập khẩu thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm chế biến của Công ty TNHH Koyu & Unitek kể từ ngày 15/6/2018.

    Việc xuất khẩu thịt gà sang Nhật còn mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đã qua chế biến vào Nhật Bản (các sản phẩm này thủ tục và tiêu chí nhập khẩu có phần nới lỏng hơn). Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam và Công ty TNHH Leow Casing Việt Nam đã gửi đề án xuất khẩu cho Cục Thú y và đề nghị Cục Thú y đàm phán với Cục Thú y Nhật Bản để có thể xuất khẩu được sản phẩm thịt gà chế biến và vỏ xúc xích muối khô từ cừu, heo sang Nhật Bản. Hiện tại, giới quan sát đang kỳ vọng vào Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam.  Theo đề án và lộ trình, Tập đoàn này sẽ xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường EU, Mexico, Mông Cổ, Myanmar, Iraq, Trung Quốc, Nam Phi, Singapore trong thời gian tới.

    Một hướng khác đó là xuất khẩu trứng và gà giống. Công ty Bel Gà dự kiến sẽ xuất khẩu trứng gà giống và gà giống sang Myanmar, Lào, Campuchia… Thực tế, với công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, châu Âu cộng với sự phong phú về nguồn giống và sở hữu nhiều giống gà, heo chất lượng, Việt Nam hoàn toàn có thể là nhà cung cấp con giống cho các nước trong khu vực ASEAN để phục vụ khách hàng và mở rộng các vùng nuôi vệ tinh, phục vụ cho các chương trình xuất khẩu lớn hơn nhiều tham vọng hơn trong những năm tới.

Đặt mục tiêu mới

    Năm 2018 ghi nhận một mốc bản lề quan trọng trong công tác thú y khi việc kiểm soát xử lý chất cấm trong chăn nuôi được triển khai trên toàn quốc. Trong năm hầu như không xảy ra vụ vi phạm lớn nào về chất cấm trong chăn nuôi, giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm trong thị trường nội địa thuận lợi, tạo đà cho xuất khẩu.

    Cơ quan chức năng đã không phát hiện mẫu nhiễm với chất cấm Salbutamol trong 145 mẫu thịt, 678 mẫu nước tiểu trên quy mô toàn quốc. Tỷ lệ mẫu thịt các loại vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh chỉ là 1/418 mẫu, chiếm 0,24%, giảm so 0,63% năm 2017; Vi phạm chỉ tiêu vi sinh là 130/949 mẫu, chiếm 13,7%, giảm so 26,7% năm 2017.

    Hiện nay, Việt Nam đang chuyển mạnh sang chăn nuôi hữu cơ, đặc biệt các giống gà thả vườn, các loại heo nổi tiếng của các địa phương. Việc chủ động xử lý các loại bệnh trên gia súc, gia cầm, kiên quyết không để bùng phát thành dịch đã giúp người dân yên tâm mở rộng chăn nuôi trên toàn quốc.

    Mục tiêu của ngành chăn nuôi trong năm 2019 là giảm giá thành, trong đó hạn chế tăng giá thức ăn chăn nuôi. Theo dõi sát về giá cả và nguồn cung thị trường các sản phẩm chăn nuôi, nhất là mặt hàng thịt heo và thông tin trên các phương tiện đại chúng để các cơ quan quản lý, người chăn nuôi, người tiêu dùng nắm bắt được đầy đủ, kịp thời.

    Tăng cường công tác kiểm soát tốt dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nhất là triển khai các giải pháp ngăn chặn xâm nhiễm Dịch tả heo châu Phi (ASF) vào Việt Nam. Đây là việc không hề đơn giản vì ngay cả các nước tiên tiến và các cường quốc chăn nuôi cũng vẫn xảy ra những đợt dịch bệnh diện rộng khiến tê liệt xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học; Giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp và xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật tư, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, nhất là kiểm soát sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh và hóa chất công nghiệp trong thức ăn chăn nuôi; Kiểm soát môi trường chăn nuôi.

    Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2019 là tập trung phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết, dần loại bỏ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; Đồng thời, tập trung ổn định thị trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng tới xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra các nước chung quanh và các nước trên thế giới để tạo thị trường phát triển bền vững.

==> Theo Cục Chăn nuôi, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong thời gian qua luôn thuộc nhóm cao trong khu vực nông nghiệp, bình quân duy trì ở mức 5 – 6%/năm, góp phần giữ mức tăng trưởng chung cho ngành nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và bước đầu có xuất khẩu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Cần cuộc cách mạng trong chăn nuôi

Năm 2018, có thể nói ngành nông nghiệp đã đạt thành tích cao, toàn diện và vĩ đại, trong đó nhiều lĩnh vực có sự đóng góp lớn như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản… Tuy nhiên, bước sang năm 2019, ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng phải nỗ lực hết mình để vượt sóng gió, đón thời cơ và vận hội mới. Theo đó, cần tháo gỡ được bất cập về tích tụ đất đai, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và tạo cơ chế thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Tiếp tục thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, năm qua đã có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư tạo thành chuỗi chăn nuôi bền vững, điều này cần phát triển hơn nữa trong thời gian tới… Phải có giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi hơn nữa, đặc biệt về lâu dài, vì tương lai ngành nông nghiệp bền vững chúng ta phải hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch, tăng chính ngạch. Muốn làm được điều này thì Nhà nước phải ra tay, phải có cuộc cách mạng trong chăn nuôi, nếu không đổi mới sẽ rất khó khăn trong phát triển ngành này. Với mục tiêu để không chỉ 100 triệu dân Việt Nam được cung cấp nguồn thực phẩm an toàn chất lượng, đời sống của người dân được nâng lên mà còn đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường hơn.

Nguyên Chi (Ghi)

 

Nguyễn Anh

Nguồn: Người Chăn Nuôi

 

 

MUA HẠT GIỐNG CỎ LIÊN HỆ SĐT 0363145282. TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586