• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

ĐỂ CHĂN NUÔI CHUYÊN NGHIỆP

(Người Chăn Nuôi) – Mặc dù đạt những kết quả tích cực trong năm 2018, nhưng các lãnh đạo và chuyên gia đều cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam năm 2019 và các năm tới vẫn đối mặt không ít thách thức. Đặc biệt là tính cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng bởi các hiệp định thương mại khu vực và thế giới đang xóa dần rào cản mang tính bảo hộ. Theo đó, vẫn cần rất nhiều giải pháp và hành động.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

Cần giải quyết tốt khâu chế biến và phân phối

   Để củng cố ngành chăn nuôi, không còn cách nào khác là phải tập trung cải thiện đối với hai khâu yếu nhất là chế biến và phân phối lưu thông. Đến nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN&PTNT, đã chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp có tiềm lực lớn của Việt Nam cũng như doanh nghiệp FDI, cùng với các địa phương tập trung đưa những dự án chế biến sản phẩm chăn nuôi để tạo thêm nhiều sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Bộ sẽ rà soát chiến lược phát triển ngành với từng đối tượng nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; Phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực. Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi từ 550 triệu USD trong năm 2018 lên 800 triệu USD trong năm 2019 và năm 2020 ngành chăn nuôi sẽ chính thức vào nhóm sản phẩm tỷ USD.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Công nghệ là chìa khóa thành công

    Ngành chăn nuôi Việt Nam 2018 ghi nhận sự tăng trưởng, đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho tiêu thụ trong nước và một phần phục vụ cho xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế của ngành hiện còn nhiều hạn chế do quy mô nhỏ lẻ, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng còn khiêm tốn. Năm 2019, ngành chăn nuôi cần phối hợp với các đơn vị liên quan ngăn chặn triệt để Dịch tả heo châu Phi (ASF); Xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn để đảm bảo sản phẩm có thể xuất khẩu tốt hơn; cải thiện công tác dự báo thị trường, công tác thống kê để có sự điều chỉnh hợp lý cung – cầu. Cùng đó, muốn sản phẩm chăn nuôi có thể xuất khẩu nhiều cần áp dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học công nghệ vào mọi giai đoạn sản xuất, cập nhật những tiến bộ công nghệ có hiệu quả, coi công nghệ là chìa khóa của thành công. Phổ biến tuyên tuyền về Luật Chăn nuôi, an toàn thực phẩm tới cộng đồng người sản xuất (doanh nghiệp, người nuôi); Chuyển biến nhận thức để tạo sản phẩm chăn nuôi sạch, an toàn.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y

Chủ động phòng chống dịch bệnh

2018 là một năm ngành thú y đã nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh, khống chế, ngăn chặn được dịch bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh… và đặc biệt là ngăn chặn thành công Dịch tả heo châu Phi, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong nước, đồng thời hỗ trợ xuất khẩu đạt giá trị cao nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua: Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP tác động lớn đến chăn nuôi trên cạn; Chăn nuôi trong nước nhỏ lẻ, giá thành còn cao, chất lượng sản phẩm còn hạn chế; Cùng đó an toàn dịch bệnh phải được coi trọng, để có an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu sản phẩm xuất khẩu, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho gà; Nhưng với heo tại Nam Định và Thái Bình (mới có cơ sơ an toàn nhưng vùng an toàn dịch bệnh thì chưa đạt); Doanh nghiệp đầu tư xây dựng chuỗi an toàn dịch bệnh nhưng còn ít. Dự thảo Kế hoạch phòng chống cúm gia cầm giai đoạn 2019 – 2025 sẽ kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra và lây lan diện rộng; Chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống; Tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; Góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của cúm gia cầm đối với sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và các hoạt động thương mại của Việt Nam.


    Đồ họa: Minh Vũ
 

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền

Trong năm qua, Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình, dự án triển khai rất hiệu quả, trong đó có việc thiết lập đối tác công tư trong chăn nuôi. Năm 2019, hai bên tiếp tục hợp tác triển khai các chương trình hành động, trong đó tập trung vào Chương trình ASEAN GAHP là chìa khóa để đưa nội dung vào đào tạo cán bộ khuyến nông tuyên truyền hướng dẫn đến các hộ nuôi; Phối hợp trong các chương trình đào tạo, thông tin tuyên truyền đặc biệt là năm 2019; Kế hoạch phòng bệnh Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp; Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh từ cơ sở nuôi, nhà máy giết mổ đến phân phối tiêu thụ; Xây dựng tiêu chí hợp tác xã chăn nuôi lồng ghép trong các chương trình mà khuyến nông đang triển khai một cách hiệu quả.

Ông Lê Văn Thông, Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn

Hướng tới quản lý theo chuỗi

  Năm 2018, những thách thức của ngành chăn nuôi nói chung ảnh hưởng không lớn đến chăn nuôi đại gia súc (như việc thừa nguồn cung heo khiến giá giảm, dịch cúm gia cầm ở một số tỉnh…). Mặc dù, giá của sản phẩm đại gia súc có giảm song không đáng kể. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ trong nước về các mặt hàng của gia súc lớn (thịt, sữa) trong năm tới vẫn ổn định, nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất mà ngành chăn nuôi gia súc lớn nước ta gặp phải đó là sự liên doanh, liên kết giữa người chăn nuôi với các cơ sở thu mua chế biến sữa, cơ sở thu mua, giết mổ, chế biến thịt chưa bền chặt, đôi khi có sự bất hòa về lợi nhuận. Muốn hiệu quả và bền vững, chăn nuôi loại gia súc này phải hướng tới sự chuyên nghiệp hay chuyên môn hóa, quản lý theo chuỗi. Liên kết, sản xuất và quản lý theo chuỗi là vấn đề vừa dễ, vừa khó trong thực tế chăn nuôi của nước ta.

Ông Tôn Thất Sơn Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, Giám đốc Dự án Lifsap

Chú trọng an toàn thực phẩm

Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) là dự án đầu tiên và duy nhất ngành chăn nuôi đầu tư trên chuỗi giá trị, được triển khai từ năm 2009. Qua nhiều năm, dự án đạt được những kết quả nhất định, tập trung hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ, tiếp cận dưới góc độ mô hình. Dự án đã hỗ trợ nâng cấp 499 chợ thực phẩm tại 12 tỉnh, thành phố, giúp hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân nông thôn và góp phần vào hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương. Dự kiến, trong thời gian tới, dự án sẽ được nhân rộng trên toàn quốc, từ đó từng bước hình thành các trung tâm cung ứng nông sản hiện đại tại nông thôn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Trong năm 2019, ngành chăn nuôi cần tiếp tục hoàn thiện thể chể, tạo hành lang pháp lý vững chắc giúp ngành phát triển ổn định hiệu quả; Tăng cường quản lý chăn nuôi nông hộ, giảm giá thành trong chăn nuôi. Đặc biệt, vấn đề an toàn thực phẩm trong chăn nuôi cần được đặc biệt quan tâm.

Bà Thái Hương, Nhà sáng lập và tư vấn đầu tư Tập đoàn TH

Xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chăn nuôi

Công nghệ cao áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi đã giúp thay đổi phương thức sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm bởi hàm lượng giá trị khoa học sẽ tạo ra chất lượng sản phẩm và số lượng xuất khẩu. Chính việc áp dụng công nghệ trong sản xuất đã giúp Việt Nam có được trang trại bò sữa lớn nhất châu Á và TH là một trong những đơn vị tiên phong đi theo con đường này. Tuy nhiên, để có thể sản xuất hiệu quả hơn, kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho sản xuất, thể chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn; Đồng thời, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia theo thông lệ quốc tế và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chăn nuôi để gia tăng cạnh tranh, phát triển bền vững.

Nguyên Chi – Vũ Mưa (Ghi)

Nguồn: Tạp chí Người Chăn nuôi

 

 

MUA HẠT GIỐNG CỎ LIÊN HỆ SĐT 0363145282. TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586