• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BÒ SỮA GIAI ĐOẠN 2001-2013 VÀ ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020

I. Tình hình phát triển chăn nuôi bò sữa.

1. Số lượng và tốc độ tăng trưởng của bò sữa

BOUC-3

  Sau khi có Quyết định 167/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/10/2001 về một số biện pháp và chính sách phát triển bò sữa Việt Nam thời kỳ 2001-2010, các địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai, thực hiện chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa của Chính phủ. Do đó đàn bò sữa  liên tục tăng giai đoạn 2001-2006. Tuy nhiên 2005-2009 tốc độ tăng đàn thấp thậm chí năm 2007 số lượng bò sữa giảm do khủng hoảng về giá: Giá sữa bột thế giới thấp nên tác động đến giá thu mua sữa tươi của các công ty sữa. Trong nhiều tháng giá sữa tươi của nông dân bán bằng và dưới giá thành buộc người chăn nuôi phải giảm đàn, thanh lọc loại thải đàn. Trong quá trình giảm đàn những bò sữa năng xuất thấp, ngoại hình xấu, sinh sản kém bị loại đã góp phần chọn lọc và nâng cao chất lượng giống bò sữa Việt Nam. Do đó năm 2007 mặc dù số lượng bò sữa giảm 12% so với 2006 nhưng tổng sản lượng sữa tươi sản xuất ra vẫn tăng trên 8,5%. Từ năm 2008-2009 tốc độ tăng đàn thấp nhất do khủng hoảng về Melanine từ Trung Quốc đã ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất, chế biến và tiêu dùng sữa ở Việt Nam. Sữa tươi của nông dân Hà Nội và một số tỉnh lân cận không tiêu thụ được phải đổ đi, nhiều bò sữa phải bán giá bò thịt đã ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi bò sữa. Tiếp đến do khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới và Việt Nam đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nước ta nói chung và tốc độ phát triển của chăn nuôi và bò sữa nói riêng. Tuy nhiên, sang năm 2010 nền kinh tế thế giới và Việt Nam chuyển sang giai đoạn phục hồi đã và đang có tác động tốt đến Chương trình phát triển bò sữa của nước ta ở giai đoạn mới.  Năm 2010 số lượng bò sữa đạt 128,5 nghìn con tăng 11,3% so với năm 2009, tổng sản lượng sữa 306.000 tấn tăng 10,2% so với năm 2009. Năm 2011 đàn bò sữa đạt gần 142,7 nghìn con tăng 10,98% so với năm 2010. Sản lượng sữa tươi năm 2011 đạt 345,44 nghìn tấn tăng 12,65% so với cùng kỳ năm 2010; năm 2012 đàn bò sữa đạt 166,99 ngàn con tăng 17,02% so với cùng kỳ năm 2011 và  tăng 29,9  % so với năm 2010; sản lượng sữa đạt 381,74 ngàn tấn tăng 10,74% so với cùng kỳ năm 2011 và tăng 24,5 % so vói năm 2010.  Năm 2013  đàn bò sữa đạt 186 ngàn con, tăng 11,62 % so với cùng kỳ năm trước. ( Bảng 1).

Theo số liệu thống kê sơ bộ đến 01/4/2014 đàn bò sữa đạt 200,4 ngàn con tăng 14% so với năm 2013.

2. Năng suất và sản lượng sữa không ngừng tăng cao

–  Sản lượng sữa

Sản lượng sữa năm 2001 đạt 64,7 ngàn tấn, năm 2005 sản lượng sữa  197,7 ngàn tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001-2005 là 30,5%/năm.

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, năm 2013 sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước  đạt 456,39 ngàn tấn đáp ứng khoảng trên 28% tổng lượng sữa tiêu dùng hàng năm. Trong đó: Các tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Hồng đạt 32,225 ngàn tấn, chiếm 7, 06 %; vùng Miền núi và Trung du 60,779 ngàn tấn chiếm 13,31 %, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền trung  66,29 ngàn tấn, chiếm 14,52 %. Sản lượng sữa cao nhất ở vùng Đông Nam Bộ 255,136 ngàn tấn, chiếm 55,90 %. Năm 2013 sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước đạt 456,39 ngàn tấn đáp ứng khoảng trên 28% tổng lượng sữa tiêu dùng hàng năm.

– Năng suất sữa trên chu kỳ sữa.

   Chất lượng đàn bò sữa ngày càng được cải thiện do quá trình chọn lọc và cải tiến quy trình nuôi dưỡng. Năng suất sữa ở bò lai từ 3,25 tấn/chu kỳ năm 2001 lên 4,0 tấn/chu kỳ năm 2010 và 4,28 tấn/chu kỳ năm 2013; ở bò thuần HF từ 4,26 tấn/chu kỳ năm 2001 lên 5,57 tấn/chu kỳ năm 2010 và 5,60 tấn/chu kỳ năm 2013, năng suất sữa bò trung bình cả nước là 5,186 tấn/chu kỳ năm 2013 (Bảng  2).

So sánh với năng suất sữa các nước trong khu vực: Thái Lan 3,20 tấn/chu kỳ; Indonesia 3,10 tấn/chu kỳ; Trung Quốc 3,41 tấn/chu kỳ; Đài Loan 7,16 tấn/chu kỳ. Năng suất bò sữa Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á.

3. Cơ cấu giống

Hiện nay, đàn bò sữa của nước ta chủ yếu là bò lai HF  (132  ngàn con ); bò thuần HF và bò ngoại (68 ngàn con). Đàn bò F1 HF có năng suất sữa thấp có tỷ lệ ngày càng giảm.

 Số lượng đàn bò sữa nuôi tại các công ty: TH milk có 45.000 con; Mộc Châu milk: là 14.000 con, Vinamilk đạt 8773 con tại 5 trại, Future milk nuôi 1.000 con, Đà Lạt milk là 727  con.

4. Quy mô chăn nuôi bò sữa

 Qua báo cáo của 14 tỉnh và 4 doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa: năm 2013 có 17.828 hộ chăn nuôi bò sữa, trong đó: hộ chăn nuôi với quy mô dưới 5 con/hộ chiếm 36,7 %, 5-10 con/hộ chiếm 35,5 %; 11-20 con/hộ, chiếm 19,1 %, 21-40 con /hộ, chiếm 5,6 %,  41-50 con/hộ chiếm 2,2 % và trên 50 con/hộ chỉ chiếm 0,9 %. Quy mô bình quân đàn bò sữa trong nông hộ ở Thái Lan là 17 con/hộ. Tại Indonesia quy mô đàn bình quân 3 con/hộ.

Xu hướng chăn nuôi bò sữa hiện nay của ta quy mô đàn dưới 5 con đang giảm dần, quy mô từ 5-15 con trở lên đang tăng. Quy mô hộ chăn nuôi trung bình/hộ hiện nay ở các tỉnh phía Nam cao hơn các tỉnh phía Bắc.

DSC01277

5. Công tác giống bò sữa

– Quản lý giống bò sữa:

  + Thực hiện Chư­ơng trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp thời kỳ 2000-2005 và 2006-2010: công tác giám định, bình tuyển giống bò được thực hiện. Công nghệ tin học đã áp dụng trong quản lý giống bò sữa.  Đã giám định, bình tuyển, gắn số tai cho 81 ngàn bò sữa giai đoạn 2001-2010. Đã mã hoá số vào mạng cho 698 dẫn tinh viên để kết hợp quản lý giống bò sữa.

  – Một số tỉnh đã sử dụng phần mềm quản lý bò sữa ( VDM, VDM-AI) và cấp phát sổ theo dõi cá thể bò sữa theo quy trình quản lý chất lượng ISO 9001:2000, nhằm theo dõi chặt chẽ tình hình dịch tễ, biến động đàn và quản lý dịch bệnh trên đàn bò sữa.Quản lý bằng phần mềm chuyên dụng ở các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, như là:  AFIMILK, NOA, VDM, hỗ trợ công tác bình tuyển quản lý giống bò sữa (2004 – 2006).

– Kết quả lai tạo và nhân giống bò sữa

   Từ 2001-2005 đã cung cấp 811,5 ngàn liều tinh để lai tạo và nhân giống bò sữa trong đó Trung tâm Moncada cung cấp 559,6 ngàn liều tinh, chiếm 69 %; tinh nhập khẩu là 251,9 ngàn liều chiếm 31 %.

  Dự án giống bò sữa giai đoạn 2006-2010 cung cấp 150 ngàn liều tinh bò sữa. Trung tâm gia súc lớn Trung ương chuyển giao trên 200 ngàn liều tình bò sữa/năm.

  – Áp dụng công nghệ sản xuất, nhân giống bò bằng thụ tinh nhân tạo tinh bò ngoại chất lượng cao, tinh bò sữa phân ly giới tính đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Áp dụng các công nghệ sinh sản tiên tiến như TTNT, cấy truyền phôi ở một số Trung tâm, doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa.

–  Ngoài nguồn tinh sản xuất trong nước, hàng năm nhập khẩu tinh bò sữa cao sản, tinh phân biệt giới tính từ những nước chăn nuôi bò sữa phát triển như Mỹ, Canada, Israel, Úc…. vào khoảng trên 300 ngàn liều/năm  Các cơ sở chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô lớn như Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH, Công ty Vinamilk, Công ty CP thực phẩm sữa Đà Lạt Milk, Công ty sữa Fucture Milk…chủ yếu sử dụng tinh bò sữa cao sản nhập khẩu.

6. Thức ăn chăn nuôi bò sữa.

 a) Thức ăn và dinh dưỡng bò sữa

Khó khăn lớn nhất hiện nay trong chăn nuôi bò sữa là chưa đảm  bảo đủ số lượng và chất lượng thức ăn thường xuyên.

Vấn đề chế biến, dự trữ thức ăn cho bò sữa trong mùa đông và mùa khô vẫn là trở ngại lớn. Các loại thức ăn bổ sung như Premix-Vitamin, Premix- khoáng, tảng liếm và các loại thức ăn vi lượng chưa được người chăn nuôi coi trọng.

b) Thức ăn thô xanh cho bò sữa

 Tập đoàn giống cỏ có 19 giống đã qua chọn lọc thích nghi (trong khoảng 160 giống đã được nghiên cứu). Các giống cỏ năng suất cao, phù hợp với điều kiện nhiệt đới được nông dân tiếp nhận như giống cỏ Voi, cỏ Ghi nê TD 58, cỏ Ruzi, cỏ Pangola, cỏ hỗn hợp…

DONGCO-5

7. Vấn đề chuồng trại và vệ sinh môi trường trong chăn nuôi bò sữa

 Các trang trại chăn nuôi tập trung đã được đầu tư xây dựng chuồng trại hợp lý, có hệ thống quạt và làm mát. Các trang trại quy mô từ 20-50 con đầu tư máy vắt sữa (chủ yếu các tỉnh phía Nam); các trang trại chăn nuôi có quy mô 300 con bò sữa trở lên đầu tư hệ thống máy vắt sữa tự động hiện đại. Các trang trại đều có hầm biogas và có nhiều cố gắng thu gom chất thải, phân để ủ vôi khử trùng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Một số trang trại bò sữa lớn của Vinamilk, TH đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải bằng công nghệ tiến tiến để kiểm soát chất thải trong quá trình chăn nuôi theo hướn “chăn nuôi xanh”.

 Một số chuồng trại của các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ chưa đạt yêu cầu kỹ thuật, chưa đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, hầu hết các trại chăn nuôi bò sữa gia đình và cả các trại chăn nuôi tập thể chưa có điều kiện xử lý phân và chất thải triệt để nên ảnh hưởng đến môi trường chăn nuôi và sức khoẻ con người. Nguồn nước sử dụng trong chăn nuôi cho bò uống, vệ sinh chuồng trại và rửa dụng cụ vắt sữa, dụng cụ bảo quản và vận chuyển sữa chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nên ảnh hưởng trực tiếp chất lượng sữa.

8. Công tác thú y, phòng trừ dịch bệnh cho bò sữa.

  Công tác thú y của bò sữa còn bất cập như bệnh sinh sản viêm vú, chậm sinh, vô sinh… chiếm tỷ lệ cao gây thiệt hại kinh tế cho chăn nuôi bò sữa. Nguyên nhân là do áp dụng quy trình chăm sóc nuôi dưỡng chưa đúng, khẩu phần thức ăn chăn nuôi không cân đối, thực hiện vệ sinh thú y chưa đúng quy trình.

. Nhập khẩu sản phẩm và nguyên liệu sữa

Đa số nguyên liệu để sản xuất trong nước là nhập khẩu từ nước ngoài nên ngành sữa là ngành luôn nhập siêu cả khối lượng lẫn kim ngạch. Từ năm 2000 đến nay, khối lượng nhập khẩu các sản phẩm sữa tăng ổn định trên 12%/năm. Nếu như năm 2000 nhập 73,45 ngàn tấn sữa các loại thì năm 2008 nhập tăng lên 177,28 ngàn tấn và năm 2009 nhập trên 212 ngàn tấn. Kim ngạch nhập khẩu có mức tăng nhanh hơn khối lượng do giá tăng, đặc biệt trong năm 2007 và đầu năm 2008. Kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 9 năm là 15,61%/năm, từ 140 triệu USD năm 2000 lên 520 triệu USD năm 2009.

 Việt Nam thuộc nhóm 20 nước nhập khẩu sữa trên thế giới, mỗi năm phải  nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại. Nhập khẩu sữa của Việt Nam trong năm 2012 ước đạt khoảng 840 triệu USD tính đến thời điểm 15/12/2012, giá trị kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 802,43 triệu USD, giảm 1,25 % về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Nhập khẩu sữa trong nước sụt giảm vào thời điểm nhu cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi khó khăn kinh tế năm 2012. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là sữa và kem cô đặc, pha chế (mã HS Code 0402). Năm 2013, giá trị kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 1,1 triệu USD.           

II.  Mục tiêu phát triển chăn nuôi bo sữa đến năm 2020

 – Tổ chức sản xuất chăn nuôi bò sữa ở các vùng có lợi thế, có khả năng đầu tư, áp dụng công ngệ cao để đạt mục tiêu sau:

– Đưa số lượng bò sữa năm 2020 đạt 300 ngàn con, sản lượng sữa đạt gần 1 triệu tấn…Trong đó 80-100 % số lượng bò sữa được nuôi thâm canh và bán thâm canh.

III. Định hướng phát triển chăn nuôi bò sữa

  1. Phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phù hợp với lợi thế tự nhiên và điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương.

2. Phát triển chăn nuôi bò sữa trang trại thâm canh quy mô vừa và nhỏ, chuyển một phần đất canh tác sang trồng cỏ và cây thức ăn, sử dụng phụ phẩm nông công nghiệp cho chăn nuôi bò sữa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

3. Tạo việc làm cho lao động ở nông thôn, từ chăn nuôi bò, trồng cỏ, vắt sữa, vận chuyển sữa, chế biến sữa.

4. Áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ sinh học trong chăn nuôi bò sữa đặc biệt các công nghệ sinh học trong công tác giống và sinh sản để tăng nhanh tiến bộ di truyền, năng xuất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi bò sữa.

5. Tăng cường công tác quản lý giống, đầu tư­ cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành chăn nuôi bò sữa.

bo1

IV. Một số giải pháp chính

1. Giải pháp về khoa học công nghệ.

a)  Giống bò sữa.

– Đối với bò cái

 + Tiếp tục lai tạo với tinh bò sữa cao sản để tạo đàn bò sữa trong nước kết hợp với nhân thuần giống bò sữa HF.

 + Tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất, nhân giống bò bằng thụ tinh nhân tạo tinh bò ngoại chất lượng cao, tinh bò sữa phân ly giới tính. Sử dụng các công nghệ sinh sản tiên tiến như TTNT, cấy truyền phôi ở một số Trung tâm, doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa.

– Đối với bò đực giống

+  Sử dụng nguồn gen mới có năng suất cao 12-18 tấn sữa/chu kỳ: tinh, phôi bò sữa cao sản, tinh, phôi phan biệt giới tính bò đực giống HF, 87,5% HF, đã kiểm tra năng suất cá thể để sản xuất tinh đông lạnh trong nước.

– Quản lý giống

+ Quản lý được hệ thống giống của bò: định dạng cá thể bằng gắn số tai, gắn chíp điện  tử, vào sổ giống và xử lý các tính trạng năng suất của giống, đảm bảo mọi người có thể truy cập thông tin về giống qua hệ thống mạng.

+ Thống nhất hệ thống quản lý giống bò sữa trên phạm vi cả nước gắn liền với hệ thống thụ tinh nhân tạo.

+ Xây dựng các tiêu chuẩn giám định chọn lọc giống bò sữa, chọn lọc cá thể; các phương pháp kiểm tra năng suất cá thể đối với bò đực giống hướng sữa Việt Nam.

b) Thức ăn

 – Chế biến thức ăn

+ Sử dụng hợp lý các phụ phẩm công, nông nghiệp như bã bia, phụ phẩm chế biến hoa quả, chế biến rau, tảng liếm khoáng vi lượng.v.v. làm thức ăn cho bò để giảm giá thành sữa.

+ Áp dụng phương pháp ủ chua thức ăn thô xanh đảm bảo cho bò ăn quanh năm, đặc biệt vào mùa đông và mùa khô là đột phá quan trọng để bò sữa có thức ăn ổn định và nhờ đó cho năng suất sữa cao.

– Thức ăn hỗn hợp

+ Xây dựng mô hình cung cấp thức ăn chăn nuôi bò sữa được chế biến theo khẩu phần thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR) cho bò sữa.

 – Thức ăn thô xanh

 Xây dựng các mô hình trồng cỏ hỗn hợp, cỏ họ đậu cỏ thâm canh năng suất cao để cải thiện chất lượng thức ăn thô xanh, đáp ứng nhu cầu thức ăn xanh cho bò sữa cao sản.

c) Thú y

– Thực hiện các biện pháp thú y cần thiết về tiêm phòng vắc-xin (LMLM, Tụ huyến trùng, Nhiệt thán,…). Phòng trị kịp thời các bệnh dễ mắc phải của bò sữa như viêm vú, chậm sinh, vô sinh, ký sinh trùng…

– Vệ sinh thú y gia súc như: sửa móng, vệ sinh chuồng trại, vệ sinh vắt sữa.

– Sản xuất các loại vắc-xin phòng bệnh cho bò sữa có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

d) Chuồng trại

– Áp dụng các kiểu chuồng trại chống nóng, chống ẩm, thông thoáng thích hợp chăn nuôi bò sữa.

– Có nơi thu gom phân, nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường, khuyến khích xây dựng hệ thống  xử lý chất thải .

đ) Quy mô chăn nuôi trang trại

Quy mô chăn nuôi trang trại ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sữa. Vì vậy để giảm giá thành sữa cần đẩy mạnh phát triển quy mô trang trại vừa và lớn áp dụng công nghệ cao.

 2. Giải pháp về chính sách

a) Chính sách đầu tư

Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi bò sữa trong bối cảnh mới và phù hợp hơn với tốc độ phát triển của xã hội cho những năm tiếp theo. Thống nhất cơ chế điều tiết giá sữa, chất lượng sữa giữa 3 nhà: nhà chế biến, nhà sản xuất và đại diện hội người tiêu dùng để chăn nuôi và chế biến sữa phát triển bền vững.

Tiếp tục thực hiện Chương trình giống giai đoạn 2014-2020.

Khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa quy mô trang trại công nghiệp, công nghệ cao sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm chăn nuôi khép kín.

b) Chính sách thuế và phí

 Đề nghị Nhà nước áp dụng mức thuế nhập khẩu 0% đối với các loại trang thiết bị vật tư phục vụ chăn nuôi bò sữa, quản lý giống, thu gom, bảo quản sữa; vật tư TTNT, thiết bị sản xuất nitơ lỏng, thiết bị làm lạnh phục vụ mua gom sữa, xe vận chuyển sữa chuyên dùng, thiết bị đồng cỏ, thiết bị chuồng trại.

3. Hệ thống dịch vụ

 a) Khuyến nông và đào tạo

– Mỗi tỉnh chọn một số hộ chăn nuôi bò sữa tiên tiến có quy mô vừa và nhỏ để làm mô hình tập huấn kỹ năng chăn nuôi bò sữa giúp cho người chăn nuôi học tập, thực hành kiến thức mới về chăn nuôi bò sữa.

– Tiếp tục đào tạo mới và đào tạo nâng cao đội ngũ dẫn tinh viên TTNT bò và thú y viên cơ sở.

b) Dịch vụ phát triển chăn nuôi bò sữa

Các tỉnh hướng dẫn các hộ chăn nuôi tự thành lập HTX dịch vụ chăn nuôi bò sữa để qua đó được hưởng dịch vụ về thức ăn, thú y, thụ tinh nhân tạo với giá thấp hơn và được hưởng lợi từ hệ thống thu gom, bảo quản sữa của HTX.

4. Giải pháp về thị trường sữa

a) Điều tiết giá sữa

Giá sữa chi trả cho nông dân là một vấn đề nóng ở nhiều nước và cho rằng nhà máy chế biến sữa đã áp dụng giá sữa quá thấp. Ở các nước có truyền thống về ngành sữa các nhà máy chế biến sữa thường được hình thành từ các HTX chăn nuôi bò sữa do vậy họ đã có sự hiểu biết tốt về cơ chế xác định giá sữa. Ở Việt Nam, các nhà chế biến sữa không phụ thuộc vào người chăn nuôi bò sữa mà phụ thuộc vào sữa bột.

Về lâu dài, tình hình nêu trên ở nước ta không có lợi cho nhà máy chế biến sữa và cho người tiêu dùng vì sớm hay muộn thì sữa tươi cũng được người tiêu dùng ưa chuộng hơn sữa bột hoàn nguyên.

Để có một cơ cấu giá khách quan cho người chăn nuôi không bị thua lỗ, đồng thời nhà máy chế biến cũng mua được giá hợp lý nhất, đề nghị hình thành Ủy ban Sữa quốc gia bao gồm đại diện người sản xuất sữa, nhà chế biến sữa, Hội người tiêu dùng và đại diện cơ quan của Chính phủ.

b) Hoàn thiện hệ thống thu mua sữa

Tại các tỉnh, thành phố có kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa, đàn bò sữa chiếm đa số hệ thống thu mua đã tương đối hoàn thiện (10 tỉnh), 22 tỉnh còn lại, do số bò sữa phát triển còn hạn chế nên hệ thống thu mua sữa còn nhiều bất cập. Do lượng sữa ít, chi phí bảo quản lạnh và thu gom cao nên cần có sự phối hợp đầu tư của các nhà máy chế biến, HTX bò sữa, trợ giúp của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương.

c) Kiểm soát chất lượng sữa

– Để đảm bảo công bằng về chất lượng sản phẩm sữa của các nhà máy chế biến và bảo vệ người tiêu dùng, liên bộ Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công nghiệp, Bộ KHCN, Bộ Thương mại và Bộ Công an tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hoá, đảm bảo ghi đúng tỷ lệ sữa tươi trên bao bì sản phẩm sữa.

– Xây dựng hệ thống kiểm tra, kiểm soát chất lượng sữa khách quan, có chế độ thưởng cho chất lượng sữa cao và phạt khi sữa không đảm bảo vệ sinh một cách công khai, minh bạch.

Lã Văn Thảo – Trưởng phòng Gia súc lớn – Cục Chăn nuôi

 

 

MUA HẠT GIỐNG CỎ LIÊN HỆ SĐT 0363145282. TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586