• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh

Tin tức

TƯƠNG LAI NÀO CHO NGÀNH CHĂN NUÔI BÒ THỊT

 Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ hai tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã chi 8,88 triệu USD để nhập thịt bò Mỹ và 6,62 triệu USD nhập thịt bò Australia. Trước đó, cả năm 2017, Việt Nam đã chi gần nửa tỷ USD để nhập thịt trâu bò. Giá thịt bò nhập ngày càng rẻ khiến các doanh nghiệp, nhà chăn nuôi trong nước phải căng mình chạy đua.

Mới đây, tại hội thảo “Các giải pháp chính nhằm phát triển chăn nuôi Bò (Bò sữa và bò thịt) hiệu quả và bền vững”, tương lai của ngành chăn nuôi bò thịt đã được các chuyên gia và doanh nghiệp mổ xẻ, phân tích…

Tương lai nào cho ngành chăn nuôi bò thịt?

Thời gian gần đây giá bán bò thịt giảm mạnh khiến người nuôi lao đao

Chăn nuôi bò thịt vẫn ở quy mô nhỏ

PGS TS Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam cho biết, ngành chăn nuôi bò thịt Việt Nam trải qua những cung bậc thăng trầm trên con đường phát triển, nhưng chăn nuôi bò sữa, bò thịt nước ta phát triển theo hướng tích cực.

Theo Cục chăn nuôi, năm 2017 nước ta có 5,65 triệu con bò thịt, tăng 2,88% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng thịt bò ước đạt 321,7 nghìn tấn, tăng 4,2%. Tỷ lệ bò lai (Sind, Sahiwai, Braham, Angus, Charolaire..) chiếm 63,3%. Ba khu vực có tỷ lệ bò lai rất cao đó là: Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng (92%, 83, 41% và 84, 89%); thấp nhất khu vực Miền núi phía Bắc 25,73%.

 Giống nội có khối lượng trưởng thành thấp 170-22kg và tỷ lệ thịt xẻ thấp (43-44%) chiếm 52% tổng đàn. Chăn nuôi bò thịt trên 90% vẫn là chăn nuôi nhỏ, phân tán và đang chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi thâm canh và bán thâm canh. Chăn nuôi trang trại mới bước đầu hình thành với quy mô trên 100 con trở lên được tập trung ở các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận và các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Theo nhiều chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ thịt bò của nước ta sẽ tăng nhanh, do thu nhập tăng cao và mức sống được cải thiện. Hiện nay, sản lượng bò thịt chỉ chiếm 4-5% tổng sản lượng thịt xẻ. Thực tế cho thấy, sản xuất thịt bò trong nước chưa đáp ứng được nhu nội địa, đặc biệt là bò thịt chất lượng cao. Chính sự thiếu hụt này, một mặt đã thúc đẩy các công ty chăn nuôi và thương mại nhập khẩu một lượng rất lớn thịt trâu, bò từ bên ngoài về cung cấp cho thị trường trong nước

Thách thức chính

Theo PGS Hoàng Kim Giao, ngoài những điều kiện thuận lợi như: thị trường, thịt trâu bò trong nước rất tiềm năng; chính sách khuyến khích, ưu tiên phát triển loại vật nuôi này được hưởng ứng triển khai ở các tỉnh, thành phố; nguồn lao động dồi dào, nguồn thức ăn phong phú và đa dạng, ngành chăn nuôi bò thịt của nước ta còn gặp nhiều khó khăn. Đó là: 1. Nước ta chưa có giống bò chuyên cho thịt. Người dân chủ yếu nuôi giống địa phương và con lai của chúng. Những giống này năng suất thấp, tiêu tốn thức ăn cao; 2. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng, ẩm cao, áp lực về phòng chống dịch bệnh từ môi trường bên ngoài đối bò thịt là rất lớn. 3. Kinh nghiệm chăn nuôi bò thịt chuyên canh chưa nhiều, đặc biệt là khẩu phần ăn và chế độ dinh dưỡng đối với việc vỗ béo cho bò thịt. Vì thế, bò thịt vỗ béo, tỷ lệ mỡ trong phủ tạng cao, chất lượng thịt không mềm, không thơm ngon; 4. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao còn hạn chế hoặc không đồng đều, thiếu đồng bộ; 5. Chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán thiếu đồng bộ. Sự liên doanh, liên kết giữa người chăn nuôi với các cơ cơ sở thu mua giết mổ, chế biến thịt chưa bền chặt, đôi khi có sự bất hòa về lợi nhuận.

Cùng với đó, theo TS Tăng Xuân Lưu, Giám đốc Trung tâm Bò và Đồng cỏ Ba Vì, văn hóa ẩm thực người Việt trên 75% thích ăn tươi, ăn bê, bò non, dai, vị đậm. Thịt bò được ví là “đẳng cấp” trong bữa ăn. Trong khi đó, trâu bò có thời gian sinh trưởng dài, vòng quay lớn, sử dụng khối lượng thức ăn lớn, diện tích nhiều.

   “ Muốn ngành chăn nuôi bò thịt bền vững và hiệu quả, cần hướng tới sự chuyên nghiệp hay chuyên môn hóa, quản lý theo chuỗi, các mặt hàng từ trang trại tới bàn ăn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng”. (PGS TS Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam).

Muốn cạnh tranh: Phải thực hiện đồng bộ giải pháp

Theo TS Tăng Xuân Lưu, Việt Nam cần có chiến lược lâu dài cho con bò thịt.

Về giống, nền lai Zebu cho nông hộ. Doanh nghiệp nghiệp nuôi giống bò thuần Brahman, Angus vừa sinh sản vừa giết thịt hoặc trên nền bò cái sinh sản × đực BBB tạo con lai thương phẩm. Tạo giống bò thịt Việt Nam thì nhất thiết phải sử dụng nền bò lai Zebu× Red Angus và Senepol. Tại vùng cao, miền núi và biên giới bò phải chịu kham khổ, chịu bệnh và rét; leo dốc, núi đá; khối lượng vừa phải; sinh sản tốt và lớn nhanh cần sử dụng bò bản địa× sepenon.  Vùng đồng bằng, có thể đưa bò cái nền ¾ Zebu × Red Angus × Senepon

  TS Lưu khẳng định: con lai Zebu – Angus có khả năng sinh sản tốt, lớn nhanh, tỉ lệ thịt xẻ cao hơn con lai Brahman, phù hợp với ẩm thực bò non Việt Nam, kháng bệnh tốt. Hoặc con lai BBB nuôi thương phẩm: Nhanh lớn, tỷ lệ thịt xẻ cao, phù hợp với ẩm thực bê non Việt Nam. Không sử dụng con lai nuôi sinh sản (không phù hợp với Việt Nam).

Quy mô chăn nuôi, đối với doanh nghiệp cần đầu tư cơ giới hóa, tập trung hóa hàng hóa và vai trò là đầu tầu.

 Giải pháp về thức ăn, nên tăng cường công nghệ chế biến thức ăn: Thâm canh, tăng năng suất cây cỏ. Sử dụng một số giống cỏ mới (cỏ chịu rét HT4); Voi lai mới (Bắc chông); Cỏ chịu nước, mặn.. Tăng cường diện tích trồng ngô thân bắp. Sử dụng phụ phẩm công nghiệp, nông nghiệp; Ủ chua, dự trữ thức ăn thô, xanh; Sử dụng TMR..

Giải pháp về quy trình kỹ thuật hóa trong chăn nuôi, cần tiêu chuẩn hóa khẩu phần ăn; thống nhất quy trình kỹ thuật theo từng giai đoạn đối từng loại bò.

Về thú y, cần khống chế triệt để bằng các loại vắc xin (lở mồm long móng đa tuyp: O, A, C, Asia…); nhiễm đường hô hấp, lepto..; Phòng trị kịp thời và hiệu quả bệnh chậm sinh, vô sinh, ký sinh trùng..; Vệ sinh thú y, hạn chế bệnh về chuyển hóa dinh dưỡng.

 Giải pháp về chuồng trại: Chống nóng, chống ẩm, thông thoáng thích hợp; Thu gom phân, nước thải đảm bảo môi trường; Đối với các trại nuôi quy mô vừa, lớn; xây dựng trang trại quy mô khép kín, theo hướng tiên tiến phù hợp với vùng nhiệt đới và thân thiện với môi trường..

 Giải pháp về quản lý: Thiết lập hệ thống quản lý mạng từ xã, phường đến huyện, tỉnh, doanh nghiệp để tránh cận huyết, nâng cao hiệu quả chọn lọc đàn giống.

Chính sách từ nhà quản lý đến nhà khoa học, cần xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về giống, tinh đông lạnh, quy trình kỹ thuật chăn nuôi chăn nuôi bò thịt theo từng giai đoạn, hướng thâm canh.Khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước tham gia sản xuất giống; Buộc phải có chính sách tạo rào cản từ bên ngoài để bảo hộ sản xuất trong nước để đảm bảo quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng.

Nguồn:Hương Hà

Tạp chí chăn nuôi Việt Nam

 

 

 

MUA HẠT GIỐNG CỎ LIÊN HỆ SĐT 0363145282. TƯ VẤN VỀ BÒ GIỐNG LIÊN HỆ 0912233974.TƯ VẤN KHÓA HỌC THỤ TINH NHÂN TẠO LIÊN HỆ 0974045596 HOTLINE: 0983666586